TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9373042
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Cùng nhau viết nên trang sử mới trong quan hệ láng giềng hữu nghĩ giữa Vân Nam Trung Quốc và Việt Nam (16/06/2010)

    Năm nay là 60 năm thiết lập quan hệ Trung - Việt, lại là “Năm hữu nghị Trung -Việt”, một năm đáng được nhân dân hai nước chúc mừng. Trong bối cảnh quan hệ láng giềng hữu nghị Trung - Việt không ngừng phát triển, chúng ta tổ chức hội thảo để cùng nhau nhìn lại quá trình phát triển và hướng đến tương lai phát triển của quan hệ Trung -Việt có ý nghĩa hiện thực và đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ Trung -Việt phát triển hơn nữa.

1. Nhìn lại lịch sử

60 năm phát triển của quan hệ Trung-Việt là 60 năm tình hữu nghị truyền thống được thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai nước Trung-Việt tự tay vun đắp, là 60 năm hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Trung-Việt ủng hộ lẫn nhau, học tập lẫn nhau, láng giềng hữu nghị, cùng nhau phát triển trong sự nghiệp xây dựng CNXH vĩ đại, đặc biệt là trong tiến trình cải cách mở cửa; là 60 năm hai nước chúng ta giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa Mác, chiến thắng mọi khó khăn gian khổ, đi theo con đường XHCN trong hoàn cảnh quốc tế phức tạp.

Từ khi bình thường hoá quan hệ Trung-Việt năm 1991, dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã xác định, hai nước Trung-Việt kiên trì tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” khiến quan hệ Trung-Việt phát triển lên một bước. Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn kết, hai Đảng học tập lẫn nhau, kết quả hợp tác thực tế trên các lĩnh vực phong phú hơn, tình hữu nghị của nhân dân hai nước sâu sắc hơn. Năm 2008, lãnh đạo hai nước Trung-Việt đã đạt được nhận thức chung về phát triển quan hệ hai nước, quyết định xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt khiến quan hệ Trung-Việt đang chờ đón một thời kỳ phát triển mới. Năm 2009 là năm quan hệ Trung-Việt đi sâu phát triển toàn diện và thu được thành quả to lớn.

Trong phát triển quan hệ Trung-Việt, là một tỉnh biên giới Tây Nam Trung Quốc, Vân Nam có vị trí quan trọng. Tỉnh Vân Nam có dân số 45 triệu người, diện tích 379.000 km2, tiếp giáp với Việt Nam, Lào, Mianma. Trong đó, tỉnh Vân Nam tiếp giáp với tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên của Việt Nam, vì vậy, có lịch sử qua lại lâu đời với Việt Nam. Trước khi nước Trung Quốc mới ra đời, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động cách mạng ở Vân Nam. Côn Minh và ven tuyến đường sắt Điền - Việt đều lưu lại dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nước Trung Quốc mới ra đời, tỉnh Vân Nam đã trở thành con đường vận chuyển và hậu phương chiến lược để nhân dân Trung Quốc ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và bảo vệ độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng lão thành khác của Việt Nam có tình hữu nghị sâu sắc với Vân Nam, thường xuyên viếng thăm, nghỉ dưỡng ở Vân Nam và nhận được sự tiếp đón nhiệt tình như người thân của nhân dân Vân Nam. Đến nay, trang sử này vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhân dân Vân Nam. Tuy trong 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung -Việt, quan hệ hai nước cũng đã có trắc trở nhưng điều đó không thể lay chuyển tình hữu nghị truyền thống của hai nước Trung-Việt. Hữu nghị, hợp tác, phát triển vẫn là dòng chính của quan hệ Trung-Việt.

2.  Đặc điểm phát triển của quan hệ láng giềng hữu nghị Vân Nam – Việt Nam

Sau khi bình thường hoá quan hệ Trung-Việt năm 1991, quan hệ láng giềng hữu nghị giữa tỉnh Vân Nam và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và có một số đặc điểm không giống với các tỉnh khác của Trung Quốc.

Thứ nhất, tình hữu nghị truyền thống càng được đề cao. Trong 60 năm quan hệ, Vân Nam và Việt Nam qua lại với nhau nhiều, duy trì hữu nghị lâu dài. Ngay cả thời kỳ quan hệ hai nước rơi vào trắc trở tạm thời, nhân dân hai bên khu vực biên giới Trung-Việt vẫn đi lại trao đổi với nhau. Sau khi quan hệ Trung-Việt khôi phục bình thường, tình hữu nghị truyền thống của Vân Nam và Việt Nam càng được phát huy. Trao đổi, hợp tác song phương phát triển nhanh chóng. Hiện nay, theo đăng ký xuất nhập cảnh, chỉ riêng huyện Hà Khẩu tiếp giáp với tỉnh Lào Cai mỗi ngày có hơn 10000 lượt người của hai nước qua lại cửa khẩu Hà Khẩu. Có đông người qua lại ở hai bên biên giới mỗi ngày như vậy là điều trước đây không thể tưởng tượng. Đây chính là biểu hiện của tình hữu nghị truyền thống. Ngoài ra, ở khu vực biên giới Trung-Việt còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện sinh động về nhân dân Vân Nam và nhân dân Việt Nam quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, viết nên tình cảm “vừa là đồng chí, vừa là anh em” một cách chân thực.

Thứ hai, hợp tác kinh tế thương mại trở thành trọng điểm trong phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam. Từ khi bình thường hoá quan hệ Trung-Việt năm 1991, cùng với sự mở rộng của mậu dịch biên giới, quan hệ kinh tế giữa Vân Nam và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Sau khi bước vào thế kỷ mới, cùng với hành lang kinh tế Nam-Bắc được xác định từ hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông và xây dựng “hai hành lang, một vành đai” của hai nước Trung-Việt được xác định, quan hệ kinh tế Vân Nam-Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.

Về lĩnh vực thương mại, Việt Nam luôn là đối tác thương mại quan trọng của Vân Nam. Năm 2005, thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam đã vượt ngưỡng 500 triệu USD và liên tục tăng trưởng trong những năm sau đó. Năm 2007, kim ngạch thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam đạt 972 triệu USD, Việt Nam vươn lên là bạn hàng lớn nhất của tỉnh Vân Nam. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam năm 2008 giảm nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương vẫn đạt 556 triệu USD, kim ngạch thương mại Vân Nam-Việt Nam đứng thứ hai trong thương mại đối ngoại của tỉnh Vân Nam. Trong 11 tháng năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Vân Nam và Việt Nam là 690 triệu USD, chiếm 10,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam. Việt Nam liên tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ hai của tỉnh Vân Nam. Về lĩnh vực đầu tư, tính đến năm 2008, có 57 doanh nghiệp Vân Nam đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 115 triệu USD.

Điều đáng nhắc đến trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam là trong mấy năm gần đây, tỉnh Vân Nam và Việt Nam quyết định xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia Trung –Việt Hà Khẩu – Lào Cai. Với một sự việc thuận theo toàn cầu hoá kinh tế thế giới, nhất thể hoá kinh tế khu vực như vậy, hai bên Trung-Việt đều thúc đẩy bằng thái độ tích cực. Xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia không những phát huy được chức năng liên kết, trao đổi, dịch vụ và lan tỏa của cửa khẩu Hà Khẩu, cửa khẩu Lào Cai, mà sẽ hình thành cục diện mới “một thành phố, hai quốc gia”, sẽ thúc đẩy trao đổi và hợp tác kinh tế thương mại Trung-Việt hiệu quả hơn, kéo theo kinh tế, xã hội của Vân Nam và miền Bắc Việt Nam phát triển. Hiện nay, với bước 1 trong kế hoạch xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia Trung-Việt, khu kinh tế thương mại 5 km2 ở Bắc Sơn Hà Khẩu –Vân Nam và Kim Thành của Lào Cai đang khẩn trương xây dựng. Một cây cầu lớn khác vắt ngang qua sông Hồng nối liền Vân Nam (Trung Quốc ) và Lào Cai - cầu Hồng Hà thông xe vào tháng 9-2009 đã mở thêm một con đường mới từ Vân Nam sang Việt Nam. Cây cầu này khánh thành khiến xe vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Hà Khẩu và Lào Cai thuận tiện hơn. Cùng với việc đưa vào sử dụng cầu Hồng Hà, riêng huyện Hà Khẩu đã có 3 cửa khẩu thông quan quốc gia loại 1 với Việt Nam, điều này ở Trung Quốc vẫn là số 1.

Một loại thương mại đặc biệt - đưa điện từ Vân Nam đến Việt Nam đã trở thành một điểm tăng trưởng trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam. Tháng 9-2004, Vân Nam đã đưa điện thành công sang tỉnh Lào Cai, Việt Nam với điện áp 110 kw, tạo nên kỷ lục lần đầu tiên trong việc đưa điện ra nước ngoài với quy mô lớn của Trung Quốc. Thương mại điện lực từ đó đã trở thành một nội dung quan trọng trong kinh tế thương mại đối ngoại của Trung Quốc. Tính đến tháng 10-2009, tổng lượng điện Vân Nam đưa sang Việt Nam đã vượt ngưỡng 10 tỷ kw/h, cho thấy trong thương mại, điện lực đã trở thành nội dung quan trọng, độc đáo của Vân Nam với Việt Nam, “con đường năng lượng lớn” với xuất khẩu điện là nội dung chủ yếu đang nhanh chóng hình thành.

Ngoài ra, Hội chợ thương mại biên giới Trung -Việt (Hà Khẩu, Lào Cai) hàng năm đã trở thành sân chơi quan trọng của hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam. Các loại hội đàm xúc tiến đầu tư thương mại, diễn đàn hợp tác kinh tế cũng đang phát huy tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam. Ngày 16-5-2007, Uỷ ban xúc tiến thương mại tỉnh Vân Nam và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam liên kết tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Vân Nam (Trung Quốc) - Việt Nam. Diễn đàn lần này là hoạt động kinh tế thương mại có hình thức cao nhất, quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam tổ chức tại Vân Nam. Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã tham dự diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng. Ông hi vọng nâng cao kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực điện lực, khoáng sản và du lịch giữa Vân Nam và Việt Nam.

Thứ ba, Vân Nam và Việt Nam xây dựng cơ chế hợp tác nhằm bảo đảm cho sự phát triển quan hệ kinh tế, chính trị hai bên. Giữa hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đã có một số cơ chế hợp tác, song xây dựng cơ chế hợp tác cố định giữa chính quyền địa phương của hai nước vẫn còn mới mẻ trong phát triển quan hệ Trung – Việt. Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao hai nước Trung – Việt, Vân Nam và Việt Nam đã xây dựng cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa chính quyền địa phương hai bên.

Một là, thành lập Hội nghị hiệp thương hợp tác kinh tế 5 tỉnh là Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh phía Bắc Việt Nam như Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (còn gọi là Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh). Cơ chế hợp tác này thiết lập vào tháng 9 - 2004, cũng là cơ chế quan trọng trong xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội. Với cơ chế này, thông qua hình thức tổ chức hội nghị luân phiên tại 5 tỉnh, thành của hai nước, cùng nhau bàn bạc các vấn đề hợp tác quan trọng trong khu vực này, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, cùng phồn vinh. Đến tháng 11 - 2009, cơ chế hợp tác này đã tổ chức được 5 lần hội nghị. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường đã tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị lần thứ 5. Hội nghị đã ký kết “Kỷ yếu hội nghị”, đạt được nhận thức chung trong việc đẩy mạnh hơn nữa mức độ hợp tác, làm phong phú nội hàm hợp tác, nâng cao trình độ hợp tác.

Từ khi cơ chế đàm phán hợp tác kinh tế 5 tỉnh Trung – Việt ra đời, dưới sự chỉ đạo của phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” của hai nước Trung – Việt, sự trao đổi qua lại giữa lãnh đạo cấp cao 5 tỉnh càng thêm mật thiết, hợp tác kinh tế thương mại liên tục tăng, thúc đẩy xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh của hai nước. Thực tế đã chứng minh, cơ chế hợp tác - hội nghị đàm phán hợp tác kinh tế 5 tỉnh Trung – Việt đã đem lại những điều có lợi thực chất cho mỗi bên, phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác của 5 tỉnh, thành.

Cơ chế hợp tác thứ hai thiết lập giữa Vân Nam và Việt Nam là cơ chế hợp tác của Tổ công tác liên hợp giữaVân Nam và 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Đây là cơ chế tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Vân Nam và 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam trên các lĩnh vực quản lý biên giới, xây dựng cửa khẩu, kinh tế thương mại, du lịch, giao thông.… Cơ chế gặp mặt định kỳ thúc đẩy sự phát triển hài hoà biên giới, mỗi năm tổ chức một lần, luân phiên tại Vân Nam và Việt Nam. Tháng 6-2007, 5 tỉnh Trung - Việt đã ký kết “Hiệp định về thành lập Tổ công tác Liên hợp giữa Vân Nam, Trung Quốc với các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên Việt Nam” tại Côn Minh. Ngày 26 -9 -2008, Vân Nam và 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam đã Tổ chức hội nghị lần thứ nhất của Tổ công tác liên hợp tại Sa Pa – Lào Cai, Việt Nam. Tháng 8- 2009, hội nghị tổ công tác liên hợp lần thứ hai tổ chức tại huyện Mông Tự, Trung Quốc. Hội nghị quyết định thúc đẩy xây dựng cửa khẩu, thúc đẩy thuận lợi hoá thông quan; đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia Hà Khẩu – Lào Cai của Trung Quốc – Việt Nam; tăng cường hơn nữa hợp tác quản lý biên giới và cửa khẩu; tiếp tục hợp tác kinh tế mậu dịch theo chiều sâu.

Việc thiết lập hai cơ chế hợp tác Vân Nam - Việt Nam bảo đảm cho việc đi sâu hợp tác giữa hai bên, có lợi cho việc phát triển hợp tác kinh tế song phương trong môi trường ổn định, có trật tự. Hiện nay, hai cơ chế hợp tác này đang triển khai thuận lợi.

Thứ tư, giao lưu văn hoá với Việt Nam lấy lưu học sinh làm tiêu chí của Vân Nam từng bước mở rộng. Hiện nay, có khoảng 1800 học sinh Việt Nam du học tại Vân Nam, đứng đầu trong tổng số lưu học sinh nước ngoài ở Vân Nam, chiếm gần 1/3 tổng số lưu học sinh nước ngoài ở Vân Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Vân Nam có nhiều học sinh Việt Nam đến du học ở Vân Nam như vậy. Đa số lưu học sinh Việt Nam là du học tự phí, chuyên ngành chủ yếu mà lưu học sinh đại học lựa chọn là công nghiệp, cũng có một số lựa chọn quản lý kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp và Trung văn. Số lưu học sinh Việt Nam tại Vân Nam tăng dần theo từng năm, không chỉ phản ánh khát vọng học tập tri thức của thanh niên Việt Nam, sự mở rộng giao lưu văn hoá giáo dục giữa Vân Nam và Việt Nam mà còn phản ánh mức độ thân thiết trong quan hệ Trung - Việt.

Thứ năm, hoàn thành công tác cắm mốc phân định biên giới trên đất liền đã bảo vệ hoà bình, ổn định cho biên giới Trung - Việt. Trên thực tế, biên giới trên đất liền Trung - Việt đoạn Vân Nam luôn duy trì trạng thái láng giềng hữu nghị, an ninh hoà bình, phát triển nhanh chóng. Cùng với việc hoàn thành thuận lợi việc dựng bia cắm mốc biên giới trên đất liền đoạn Vân Nam và tăng cường quản lý biên giới hai bên, hiện tượng xuất nhập cảnh phi pháp đang được ngăn chặn. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu xây dựng hoà bình, ổn định ở biên giới Trung - Việt. Tháng 4 -2009, trong thời gian thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ về công tác dựng bia cắm mốc: “Hai bên cần nỗ lực phấn đấu, xây dựng đường biên giới hai nước Việt – Trung trở thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và cùng nhau phát triển.” Trong khu vực biên giới Vân Nam, mục tiêu này đang trở thành nhận thức chung của hai bên và từng bước được đưa vào thực hiện.

Nhìn chung, do điều kiện địa lý và điều kiện lịch sử của Vân Nam nên sự phát triển của quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam có một vài đặc điểm không giống với nội địa Trung Quốc; những sáng tạo và điểm sáng trong phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị Vân Nam - Việt Nam đã làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ Trung - Việt, là tài sản quý báu trong quan hệ Trung - Việt, đáng được chúng ta trân trọng.

3. Suy nghĩ về việc làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam  (Trung Quốc) và Việt Nam

Hiện nay, quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển lớn, muốn làm sâu sắc hơn quan hệ này còn có nhiều việc phải làm. Nhằm thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị hai bên phát triển hơn nữa, tôi cho rằng có một số vấn đề đáng được chúng ta đào sâu suy nghĩ và nghiên cứu, xin đưa ra để các chuyên gia, học giả tham khảo.

(1) Ngày 1 -1 năm nay, Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN chính thức hình thành. Tỉnh Vân Nam là “đầu cầu” để Trung Quốc hướng ra Đông Nam á, còn Việt Nam là “cầu nối” liên kết Trung Quốc với các nước ASEAN, và đến phiên làm nước Chủ tịch ASEAN. Làm thế nào để phát huy vai trò đầu cầu và cầu nối của Vân Nam và Việt Nam sau khi thành lập Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN là vấn đề đáng để nghiên cứu.

(2) Quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và các tỉnh, thành phía Bắc Việt Nam là quan hệ giữa chính quyền địa phương, cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ Trung - Việt. Làm thế nào để vừa không đi ngược phương châm chính trị phát triển quan hệ Trung - Việt mà hai Đảng, hai Chính phủ đã xác định, vừa có sự phát triển mang tính sáng tạo quan hệ giữa chính quyền địa phương, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị của Vân Nam và Việt Nam lên một tầm cao mới? Cần các chuyên gia học giả hai nước Trung - Việt đi sâu nghiên cứu.

(3) Trong quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại là trọng điểm. Đây là điều đúng đắn. Tuy nhiên, sự phát triển của quan hệ văn hoá vẫn chưa được đưa lên vị trí đáng có. Do hai nước Trung - Việt cùng chung lý tưởng chính trị, tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển quan hệ Trung - Việt. Làm thế nào để trong khi hợp tác phát triển kinh tế thương mại thì giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng vẫn được tăng cường là một vấn đề cần giải quyết.

(4) Trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam, thương mại song phương vẫn là bộ phận quan trọng nhất. Tuy nhiên đối với Vân Nam và Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động phong phú, tương lai hợp tác kinh tế kỹ thuật vô cùng rộng mở, làm thế nào để đẩy mạnh mức độ hợp tác kinh tế kỹ thuật cũng đáng để suy nghĩ.

(5) Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Khu hợp tác kinh tế xuyên quốc gia Hà Khẩu – Lào Cai là trọng điểm hợp tác kinh tế thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam, song đó chỉ là một mặt. Việc xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội - Hải Phòng trong “một trục, hai cánh” vẫn còn nhiều việc phải làm, cần các chuyên gia, học giả hai nước Trung - Việt quy hoạch. Về Vân Nam, hợp tác với tỉnh Lào Cai (Việt Nam) đạt được không ít thành tựu, song hợp tác với các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên vẫn chỉ là bước đầu, hợp tác với các tỉnh ven hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội - Hải Phòng như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, thậm chí Hải Phòng, Quảng Ninh còn hạn chế. Dựa vào cơ chế hợp tác mà Vân Nam và 4 tỉnh Việt Nam thiết lập như thế nào, đưa hợp tác giữa Vân Nam và miền Bắc Việt Nam lan toả sang những khu vực này đều là những vấn đề đáng được nghiên cứu từ nay về sau.

(6) Các điều kiện cứng như xây dựng cửa khẩu, xây dựng đường giao thông nối liền tỉnh Vân Nam với Việt Nam được cải thiện, phía Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để cải thiện xây dựng “phần mềm” như thuận lợi hoá thủ tục thông quan, thuận lợi hoá lưu động nhân viên xuyên quốc gia vẫn còn đợi hai bên giải quyết thêm.

(7) Thu hút nhiều lưu học sinh Việt Nam đến du học ở Vân Nam hơn nữa là nội dung quan trọng trong mở cửa đối ngoại giáo dục của Trung Quốc, song làm thế nào để cung cấp cho họ dịch vụ chất lượng tốt hơn, bao gồm điều kiện giáo dục, điều kiện học tập, điều kiện sinh hoạt, để họ yên tâm, để phụ huynh họ yên tâm, để sau khi học tập trở về nước, họ có thể trở thành rường cột xây dựng đất nước, thành sứ giả giao lưu hữu nghị Trung - Việt cũng là việc chúng ta cần nỗ lực rất nhiều.

(8) Việc cắm mốc phân định biên giới đã hoàn thành, “Nghị định thư về phân định biên giới” và “Hiệp định về chế độ quản lý biên giới” đã ký kết, xoá bỏ một nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị của Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, các hiện tượng xuất nhập cảnh phi pháp, lao động phi pháp, cư trú phi pháp, kết hôn phi pháp, buôn lậu diễn ra do nhiều nguyên nhân, sẽ không hoàn toàn mất đi do đã phân định biên giới xong. Trong bối cảnh mới, làm thế nào để tăng cường quản lý khu vực biên giới vẫn cần hai bên tiếp tục nghiên cứu.

Quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam đã trải qua sự khảo nghiệm của thời gian, phát triển quan hệ giữa Vân Nam với Việt Nam, đặc biệt là với các tỉnh miền Bắc Việt Nam phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam vẫn còn không gian và tiềm lực phát triển to lớn. Chúng tôi sẽ mượn “gió Đông” của 60 năm thiết lập quan hệ Trung - Việt và “Năm Hữu nghị Trung - Việt” để tiếp tục tăng cường giao lưu và hợp tác hữu nghị với các tỉnh miền Bắc Việt Nam, vì sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung - Việt, góp phần vào cục diện mới hợp tác cùng thắng lợi, láng giềng hữu nghị giữa Vân Nam và Việt Nam.
                                    GS. Chu Chấn Minh
                            Viện Khoa học xã hội Vân Nam – Trung Quốc




Các tin khác

Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc trong giao lưu hợp tác vì sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau (16/06/2010)
Sáng tạo lý luận của hai đảng Trung - Việt từ thập kỷ 90 trở lại đây và mô hình Bắc Kinh - Hà Nội (16/06/2010)
Hợp tác Việt - Trung nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội (14/06/2010)
Bàn về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (14/06/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn