TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9774676
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Những thách thức và khó khăn đặt ra trước sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (22/11/2012)

Mở đầu

Tính đến ngày 1-10-2012 này, ĐCS Trung Quốc – một chính đảng lớn với hơn 80 triệu đảng viên, đã cầm quyền được 63 năm. Trong thời gian đó, ĐCS Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiến hành 2 sự nghiệp lớn là xây dựng CNXH (1949-1978) và cải cách mở cửa, thực hiện hiện đại hóa XHCN (1978-nay). Đây cũng chính là quá trình ĐCS Trung Quốc tìm tòi và trả lời một loạt câu hỏi lớn về lý luận và thực tiễn đặt ra: Thế nào là CNXH và xây dựng CNXH như thế nào; thế nào là đảng cầm quyền và xây dựng đảng cầm quyền như thế nào; thế nào là phát triển và thực hiện sự phát triển như thế nào?

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt được, ĐCS Trung Quốc cũng đang đứng trước những thách thức và khó khăn to lớn. Trước thềm đại hội 18 ĐCS Trung Quốc, trong bài phát biểu tại buổi Lễ khai mạc Lớp học chuyên đề dành cho cán bộ lãnh đạo chủ yếu cấp tỉnh, bộ ngành do Trường Đảng Trung ương tổ chức ngày 23-7-2012, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng: Phân tích tổng hợp tình hình trong ngoài nước hiện nay, chúng ta đang đứng trước những cơ hội chưa từng có, đồng thời cũng đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Bài viết này chủ yếu phân tích những thách thức và khó khăn đặt ra trước sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc, sau đó nêu ra một số nhận xét bước đầu.

I. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ NGUY CƠ CHỦ YẾU

1. Những thách thức và nguy cơ nói chung

Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCS Trung Quốc (1-7-1921 ~ 1-7-2011), Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã khái quát cho rằng ĐCS Trung Quốc đang phải đối mặt với “bốn khảo nghiệm lớn” theo cách hiểu của chúng tôi là “bốn thách thức lớn” cùng với “bốn nguy cơ lớn” “Bốn thách thức lớn” bao gồm: Đảng cầm quyền, cải cách mở cửa, kinh tế thị trường và từ môi trường bên ngoài. Còn “bốn nguy cơ lớn” bao gồm: Tinh thần buông thả, năng lực không đủ, xa rời quần chúng và tham nhũng tiêu cực.

Những thách thức mà Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nêu lên – theo chúng tôi có thể quy nạp thành hai mặt: Bên trong và bên ngoài. Bên trong, đó là thách thức về việc làm thế nào có thể duy trì địa vị cầm quyền lâu dài của Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, còn là nhu cầu, đòi hỏi, thậm chí là sự phản kháng của người dân đối với sự cầm quyền của Đảng. Còn thách thức từ môi trường bên ngoài là sự kiềm chế, gây sức ép của Mỹ và phương Tây đối với Trung Quốc cả về chính trị, kinh tế và an ninh. Ngoài ra là tác động hay ảnh hưởng của các cuộc “Cách mạng đường phố”, hay “Mùa xuân A - rập” đến từ Bắc Phi, Trung Đông....

Những nguy cơ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt đều đến từ bản thân nội bộ Đảng. Trong đó vấn đề “xa rời quần chúng” là rất đáng chú ý. Điều này liên quan đến mối quan hệ giữa Đảng với Dân (Trung Quốc gọi là quần chúng). Các nhà khoa học Trung Quốc đã diễn đạt một cách hình ảnh cho rằng, quan hệ Đảng với Dân đã từ quan hệ “Cá nước”?? ?nghĩa là Đảng với Dân như cá với nước biến thành quan hệ “Dầu nước” ?油水?, nghĩa là “Dầu nổi trên mặt nước, không có liên hệ gì với nước”. Điều này xuất phát từ một thực tế là, trong thời kỳ chiến tranh cách mạng trước đây, các nguồn lực trong xã hội đều nằm trong tay Dân, để giành chính quyền, Đảng phải vận động quần chúng nhân dân cung cấp sức người sức của cho Đảng. Nhưng khi đã giành được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền, Đảng đã tập trung các nguồn lực trên vào trong tay Đảng, từ đó trở đi, Dân làm gì cũng phải xin Đảng. Quá trình xin – cho này kéo dài đã hơn 60 năm, làm cho hệ thống chính trị của Đảng ngày càng hành chính hóa, quan liêu hóa và xa Dân. Theo chúng tôi, đây là nguy cơ lớn nhất – nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không có giải pháp xử lý kịp thời và thoả đáng, thì sẽ dẫn đến tình trạng không chỉ Đảng “xa rời quần chúng” mà chính là quần chúng ngày càng xa rời Đảng, quay lưng lại với Đảng, thậm chí công khai chống lại Đảng.

2. Những thách thức và nguy cơ đến từ nền tảng cho sự cầm quyền của Đảng

Cũng như nhiều chính đảng vô sản khác trên thế giới, sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc chủ yếu dựa trên hai nền tảng là nền tảng tư tưởng và nền tảng giai cấp. Tuy nhiên, trong giới học giả Trung Quốc cũng đã và đang có nhiều tranh luận khác nhau về những nền tảng của sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc.

Theo họ, nền tảng cho sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc chưa bao giờ lung lay như hiện nay.

Trước hết là nền tảng tư tưởng.  Trong xã hội Trung Quốc gần đây dấy lên hai trào lưu về lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng Quốc học (học thuyết Khổng Tử), cho rằng Trung Quốc không cần chủ nghĩa Mác – chỉ cần lý luận Đặng Tiểu Bình là đủ rồi. Lý luận Đặng Tiểu Bình là chủ nghĩa Mác của Trung Quốc đương đại. Còn trong lịch sử, học thuyết Khổng Tử đã làm nên văn minh Trung Hoa rực rỡ, vẫn còn giá trị đến ngày nay. Học thuyết Khổng Tử có thể giải quyết mọi vấn đề của đất nước. Như vậy, vấn đề đặt ra là nền tảng tư tưởng cho sự cầm quyền của Đảng sẽ là chủ nghĩa Mác – Lênin hay chủ nghĩa Mác đã được Trung Quốc hóa.

Thứ hai là nền tảng giai cấp. Nền tảng giai cấp cho sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc là công nhân và nông dân cũng đang lung lay.Thực tế hiện nay cho thấy, giai cấp công nhân Trung Quốc tuy đông về số lượng, lên tới 350 triệu người, nhưng đang ở trong tình trạng “bốn hóa” là: Làm thuê hóa, bần cùng hóa, vô quyền hóa và phân tán hóa. Còn nông dân Trung Quốc với gần 700 triệu người, trong đó mấy chục triệu người đang ở trong tình trạng mất ruộng đất do quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá gây nên. Những người này cũng đang ở trong tình trạng “bốn không” là không ruộng đất, không việc làm, không vốn liếng và không an sinh xã hội. Từ sau Đại hội 16 (2002), nhằm mở rộng cơ sở giai cấp và cơ sở xã hội của Đảng, ĐCS Trung Quốc chủ trương kết nạp những phần tử tiên tiến trong các giai tầng xã hội mới, trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Tuy nhiên, tỷ lệ vào Đảng của những phần tử trên không cao. Đó là chưa kể đến việc kết nạp những chủ doanh nghiệp tư nhân này vào Đảng có dẫn đến việc thay đổi bản chất giai cấp công nhân của Đảng hay không, cũng cần tiếp tục được làm rõ về mặt lý luận.

Vì vậy, muốn duy trì địa vị cầm quyền lâu dài, ĐCS Trung Quốc sẽ buộc phải “gia cố” hai nền tảng tư tưởng và giai cấp này. Đây cũng là vấn đề lớn về lý luận và thực tiễn mà Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc phải nghiên cứu giải quyết.

3. Những thách thức và nguy cơ đến từ tính hợp hiến, hợp pháp trong sự cầm quyền của Đảng

Mặc dù ĐCS Trung Quốc đã giành được chính quyền và trở thành đảng cầm quyền được hơn 60 năm, nhưng trước thềm Đại hội 18 – trong giới khoa học Trung Quốc cũng đã dấy lên cuộc tranh luận về tính hợp pháp trong sự cầm quyền của Đảng. Điều 1 Hiến pháp hiện hành ghi rõ: “Nước CHND Trung Hoa là nhà nước XHCN chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công nông làm cơ sở”, còn Điều 2 ghi: “Mọi quyền lực của nước CHND Trung Hoa thuộc về nhân dân”. Trong khi đó Điều lệ Đảng hiện hành của ĐCS Trung Quốc lại ghi: “Đảng là hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp XHCN đặc sắc Trung Quốc... Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật”.

Trong Diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCS Trung Quốc (1921-2011), Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định: Lịch sử và nhân dân lựa chọn chủ nghĩa Mác, lựa chọn CNXH, lựa chọn ĐCS và lựa chọn cải cách mở cửa. Như vậy, vấn đề đặt ra là: Hiến pháp Trung Quốc không ghi hay thừa nhận ĐCS Trung Quốc là hạt nhân lãnh đạo, mà chỉ được thể hiện trong Điều lệ Đảng. Nói rằng nhân dân lựa chọn ĐCS, nhưng thực tế chưa có một cuộc điều tra xã hội hay trưng cầu dân ý nào về vấn đề này. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc cầm quyền của ĐCS Trung Quốc là không hợp Hiến, hợp pháp.

 II. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH TRUNG QUỐC HÓA CHỦ NGHĨA MÁC

Như đã nêu ở trên, quá trình lãnh đạo giành chính quyền, xây dựng và cải cách mở cửa của ĐCS Trung Quốc cũng là quá trình kết hợp những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể Trung Quốc, được gọi là quá trình Trung Quốc hoá chủ nghĩa Mác. Kết quả của quá trình ấy đã góp phần “mở ra con đường XHCN đặc sắc Trung Quốc, hình thành nên hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, xác lập được chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc”. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu(10), Đảng và đất nước Trung Quốc cũng phải trả giá lớn về đối nội lẫn đối ngoại, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá lẫn tài nguyên môi trường. Trong thời gian tới, những khó khăn của việc Trung Quốc hoá chủ nghĩa Mác là rất nhiều và rất lớn.

1. Khó khăn trong việc nhận thức về chủ nghĩa Mác

Chủ nghĩa Mác được truyền bá vào Trung Quốc là từ bên ngoài, trong đó chủ yếu là từ nước Nga. Mao Trạch Đông đã từng nói rằng: “Người Trung Quốc tìm thấy chủ nghĩa Mác là qua người Nga giới thiệu. Trước Cách mạng Tháng Mười, người Trung Quốc không biết đến Lê-nin, Stalin, càng không biết đến Mác và Ănghen. Tiếng pháo của Cách mạng Tháng Mười đã đưa chủ nghĩa Mác đến cho chúng ta”(11). Thực tiễn lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cho thấy rõ điều này: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác ở Nga, đồng thời lấy đó làm tư tưởng chỉ đạo; thứ hai, những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đại bộ phận đều đến Liên Xô học tập, họ một mặt tận mắt chứng kiến những thành công của Chủ nghĩa Xã hội Xô Viết, mặt khác tiếp thu nền giáo dục Mác –xít; thứ ba, những bộ sách lớn về chủ nghĩa Mác được phiên dịch giới thiệu ở Trung Quốc thời kỳ đầu cũng từ Liên Xô. Các nhà lý luận triết học Mác – xít thời kỳ đầu của Trung Quốc như Lý Đạt, Ngải Tư Kỳ..., nội dung những sách giáo khoa mà họ viết ra cũng chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Liên Xô.

Do tiếp nhận chủ nghĩa Mác qua khâu trung gian là Liên Xô và sách giáo khoa của Liên Xô, theo cách gọi của các nhà khoa học là “tài liệu cấp hai”, không phải tài liệu gốc, nên không tránh khỏi tình trạng thiếu khách quan khi nhận thức về chủ nghĩa Mác.

Điều này cũng cho thấy sự khó khăn của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc nhận thức đúng đắn, khách quan, khoa học về chủ nghĩa Mác và những nguyên lý cơ bản của nó, từ đó vận dụng một cách sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn mà Trung Quốc đặt ra.

2. Khó khăn trong việc đánh giá đúng đắn về tình hình thực tế đất nước

Trung Quốc là một nước lớn, lãnh thổ rộng, dân số đông, đa dân tộc, nhiều phương ngữ; điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hoá giữa các vùng rất khác nhau.

Cải cách mở cửa tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng thành quả to lớn mà nó tạo ra không được phân phối công bằng cho các vùng miền và các giai tầng khác nhau trong xã hội, nên dẫn đến tình trạng có những vùng miền, có những giai tầng được lợi nhiều hơn, trong khi đó lại có những vùng miền những giai tầng được lợi ít hơn. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất ổn định xã hội. Đó là chưa kể đến sự hình thành của một mô hình xã hội - được các nhà khoa học nước này gọi là “xã hội đứt gãy” theo kiểu chữ Đinh “? lộn ngược à      “. Nghĩa là một xã hội thiếu sự liên kết hoặc liên thông với nhau, dẫn đến tình trạng con quan chức sẽ lại làm quan chức, còn con “nông dân công” tiếp tục là “nông dân công”. Điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý xã hội mà quan trọng hơn là nó làm mất đi động lực cho sự phát triển tiếp theo.

Trong lĩnh vực kinh tế, việc ra đời và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp thuộc các sở hữu khác nhau, làm cho việc tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình sở hữu khác nhau, thì cũng sẽ triệt tiêu động lực phát triển. Đó là chưa kể đến việc giải quyết sao cho hài hòa mối quan hệ giữa phát huy vai trò của thị trường với vai trò điều tiết của nhà nước trong phân bổ nguồn lực.

Ngoài ra, trong lĩnh vực chính trị, văn hoá cũng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có xu hướng đòi dân chủ hoá chính trị, thực hiện đa đảng đối lập, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự... Điều này cũng gây khó khăn cho ĐCS Trung Quốc trong việc kiên trì địa vị tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong xã hội.

Tất cả những điều trên đây làm cho việc đánh giá đúng đắn tình hình thực tế đất nước là rất khó khăn. Thực tiễn lại luôn luôn thay đổi và thay đổi rất nhanh, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá, thông tin hoá rất là nhanh chóng hiện nay, khi trình độ dân trí của người dân Trung Quốc ngày càng cao.

3. Khó khăn trong việc kết hợp những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn cụ thể đất nước

Phải nói rằng trong ba thành tố của quá trình Trung Quốc hoá chủ nghĩa Mác bao gồm: Chủ nghĩa Mác, thực tế Trung Quốc và sự kết hợp; thì “sự kết hợp” là khó khăn nhất. Nếu “kết hợp” đúng đắn thì cách mạng thành công; ngược lại, “kết hợp” sai thì cách mạng thất bại, thậm chí phải trả giá đắt. Những thành công và thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, xây dựng và cải cách mở cửa đều có liên quan mật thiết đến sự kết hợp này. Theo chúng tôi đây là khó khăn lớn nhất đặt ra trước Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới.

Kết luận

Trải qua 63 năm cầm quyền, trong đó có 32 năm lãnh đạo công cuộc cải cách mở cửa, ĐCS Trung Quốc với sự tìm tòi về lý luận và mạnh dạn thí nghiệm trong thực tiễn, đã đưa đất nước Trung Quốc từ “một nghèo hai trắng” sau ngày giành chính quyền hay “đứng bên bờ sụp đổ” sau cách mạng văn hóa – trở thành một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên khi bước vào thế kỷ mới, trước bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực, đất nước và bản thân Đảng, sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc đang đứng trước những thách thức và khó khăn chưa từng có. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc được ví như “thuyền đang ở giữa dòng”(13), “sóng” cũng to và “gió” cũng lớn”. “Sóng” nhất là “sóng ngầm” hay “sóng lừng” là phản kháng của người dân – mà con số lớn đến hàng trăm nghìn cuộc một năm; còn “gió” là sức ép hay kiềm chế đến từ Mỹ và các nước phương Tây khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa đến lợi ích của họ, “gió” cũng còn đến từ sự phản ứng của các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc trước những hành động gây hấn, hung hăng và những đòi hỏi vô lý của nước này trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Một khi “sóng to” và “gió lớn” gặp nhau, nó sẽ là nguyên nhân quan trọng làm lung lay địa vị cầm quyền của ĐCS Trung Quốc, thậm chí việc mất đi địa vị cầm quyền của ĐCS Trung Quốc là không tránh khỏi, chỉ còn là vấn đề thời gian nhanh hay chậm mà thôi.

Như vậy, vấn đề có ý nghĩa quyết định hiện nay đe dọa đến sự cầm quyền của ĐCS Trung Quốc – không ai khác, chính là bản thân Đảng. Quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác đã giúp ĐCS Trung Quốc tìm ra được con đường giải phóng và phát triển đất nước, nhưng đi cùng với nó là chủ nghĩa dân tộc trong Đảng và trong xã hội cũng ngày một gia tăng. Mặc dù văn kiện ĐCS Trung Quốc  cho đến Đại hội 16 (năm 2002) vẫn nhắc đến việc kiên trì địa vị chỉ đạo của chủ nghĩa Mác, nhưng quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác đã làm cho chủ nghĩa Mác bị dân tộc hóa, thực dụng hóa – thậm chí có học giả cho rằng, với xu thế hiện nay, quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác sẽ tiến tới xa rời chủ nghĩa Mác và cuối cùng là từ bỏ chủ nghĩa Mác. Chính sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc trong ĐCS Trung Quốc đã làm mất đi bản chất giai cấp của một chính đảng vô sản, làm cho những đường lối, chủ trương chính sách của Đảng đã không còn đại diện và đưa lại lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động Trung Quốc, không còn “tinh thần quốc tế vô sản” mà một chính đảng mác-xít cần phải có.

Mặc dù không nhiều, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng, những đảng viên cộng sản chân chính trong ĐCS Trung Quốc sẽ sớm nhận ra sự thật, đấu tranh chống lại những chủ trương chính sách sai lầm của những “tập đoàn lợi ích” nhân danh Đảng, nhưng hành động thì đi ngược lại lợi ích của Đảng và nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc là được sống hạnh phúc và hòa bình với nhân dân các nước láng giềng, nhân dân khu vực và thế giới; đồng thời đóng góp tích cực vào phong trào cộng sản và công nhân thế giới.

GS.TS. Đỗ Tiến Sâm




Các tin khác

Quan hệ giữa chính trị đối nội và đối ngoại của Trung Quốc - Hiện tại và triển vọng (22/11/2012)
Ngoại giao Trung Quốc năm 2011 (09/05/2012)
Trung Quốc năm 2011 (09/05/2012)
Kinh tế Trung Quốc năm 2011 và dự báo 2012 (24/04/2012)
Biển Đông Biển chung chỉ dành riêng cho người Trung Quốc (24/04/2012)
Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông (24/04/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn