TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9366025
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Việt Nam và Biển Đông hiện trạng và khuynh hướng (31/05/2014)

Những năm gần đây an ninh Biển Đông nổi lên là một trong những vấn đề mang tính khu vực và ở chừng mực nào đó còn mang tính toàn cầu. Các nước trong khu vực và nhiều nước khác ngoài khu vực có lợi ích liên quan, bao gồm một số nước lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, một số nước EU, Nga v.v… đã và đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề này.

Vấn đề an ninh, xung đột tại Biển Đông (sau này: vấn đề Biển Đông) trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây không thể được giải quyết nếu thiếu sự cố gắng chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nỗ lực chung của tất cả các nước có lợi ích liên quan.

1. Việt Nam với Biển Đông những năm gần đây

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc, bao gồm cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong những năm gần đây là việc tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết vấn đề an ninh tại Biển Đông. Hai trong số những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ này của Việt Nam bao gồm tăng cường các biện pháp tổng hợp nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Biển Đông và đánh giá thực chất sức mạnh của Việt Nam trong cuộc đấu tranh này.  

a) Tăng cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Năm 2013, năm tháng đầu năm 2014, an ninh Biển Đông tiếp tục là vấn đề cấp thiết và thời sự đối với Việt Nam. Những chủ trương, chính sách và những hành động nhằm tăng cường kiểm soát thực tế Biển Đông theo tinh thần xây dựng “cường quốc biển”, một “ý tưởng cải cách” do ông Tập Cận Bình đề xướng của Trung Quốc đối với vùng biển này tiếp tục làm cho Biển Đông là một trong những vùng biển nóng nhất tại châu Á- Thái Bình Dương và trên các đại dương khác nói chung. Chúng đặc biệt nguy hiểm đối với các nước láng giềng có biên giới biển với Trung Quốc như Việt Nam, Philippin v.v…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Một số hoạt động đáng chú ý nhất của Việt Nam liên quan đến cuộc đấu tranh này bao gồm:

- Thực thi Luật Biển, tăng cường cuộc đấu tranh pháp lý.

Năm 2012, Việt Nam ban hành “Luật Biển”. Bộ luật biển đầu tiên này của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2013.

Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của Việt Nam.  Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam. Trong các nội dung của Luật Biển Việt Nam, nội dung quy định phạm vi các vùng biển Việt Nam thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, việc nhấn mạnh và quy định chủ quyền của nhà nước Việt Nam đối với các quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa là những nội dung rất quan trọng của Luật Biển Việt Nam mà cả trong nước và quốc tế đều hết sức quan tâm

Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Nhà nước Việt Nam đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: “Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Ngoài việc ban hành và thực thi Luật Biển, Việt Nam còn ban hành và thực thi một số Nghị định khác nhằm khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. Có ý nghĩa quan trọng là Nghị định số 162/2013/NĐ-CP ban hành 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Theo đó, các nhóm hành vi vi phạm hành chính được quy định trong Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về quản lý vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vi phạm các quy định về hàng hải ngoài vùng nước cảng biển; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

- Gia tăng sức mạnh quốc phòng

Năm 2013 và đầu năm 2014, sức mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam được nâng cao đáng kể. Ngày 23-5-2013, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Phòng Tàu ngầm Hải quân trực thuộc Bộ tham mưu Quân chủng Hải quân.

Lần đầu tiên, Hải quân nhân dân Việt Nam có một đội tàu ngầm hiện đại. Cùng với 6 tàu ngầm lớp Kilo 636 là những tàu ngầm thuộc loại tiên tiến hiện nay trên thế giới được sản xuất tại Nga. Với việc sở hữu đội tàu ngầm, Hải quân Việt Nam đã hoàn toàn khác về chất so với trước đây, gia tăng sự tự tin của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, nói chung Việt Nam sẽ không sử dụng vũ lực, mà thông qua đàm phán, thương lượng để tìm giải pháp thỏa đáng trong cuộc đấu tranh bảo vệc chủ quyền trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hải quân Việt Nam còn được củng cố thêm sức mạnh bằng việc gia tăng sức mạnh không quân trên biển, trong đó có việc tiếp nhận thủy phi cơ DHC-6 số hiệu VNT-777 VIP nhằm trang bị cho lực lượng Không quân Hải quân Việt Nam, do Công ty Viking, Ca-na-đa sản xuất.

Ngoài ra, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam còn tăng cường sức mạnh bằng các loại tàu mặt nước khác như 3 tàu cảnh sát biển mang các số hiệu CSB 8003, CSB 2015, CSB 2016 thuộc Cục Cảnh sát biển…

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông tin về biển đảo nhằm tăng cường nhận thức cho người dân Việt Nam.

- Triển lãm trưng bày các bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa và Trường Sa và bản đồ Trung Quốc không có hai quần đảo này được sưu tập từ các lưu trữ trong nước và từ nhiều nước ngoài.

 -  Đấu tranh chống tuyên truyền sai trái xuất phát từ nước ngoài. Việt Nam đã tịch thu và tiêu hủy gần 500 cuốn sổ tay và lịch bàn in bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

- Tổ chức mít tinh, tuần hành và tổ chức các Tuần lễ Biển và đảo Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về thế mạnh biển đảo Việt Nam.

-  Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc tế về vấn đề Biển Đông

Việt Nam đã tham dự Hội nghị lần thứ 23 các nước thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Luật Biển Việt Nam được giới thiệu chính thức tại Hội nghị và Việt Nam khẳng định các quy định của Luật này hoàn toàn phù hợp với các quy định được nêu trong UNCLOS năm 1982(6).

 Trong các cuộc thăm chính thức của các đoàn cấp cao giữa Việt Nam và một số nước như Vương quốc Thái Lan, Indonesia, Cộng hòa Singapore, Cộng hòa Pháp, Việt Nam luôn bày tỏ lập trường kiên định của mình về vấn đề Biển Đông và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của các nước.

Đối thoại quân sự là một bộ phận quan trọng trong các hoạt động đối ngoại chung. Năm 2013, Việt Nam đã tiến hành đối thoại quân sự với Hoa Kỳ, Canada, Malaysia, New Zealand, Brunei, Indonesia, Hải quân Hoàng gia Anh. Kết quả của các hoạt động này là các nước hiểu rõ lập trường của Việt Nam và có nhiều cam kết phối hợp hành động và trợ giúp Việt Nam  nhằm góp phần duy trì ổn định hoà bình và bảo đảm an ninh an toàn hàng hải trong khu vực.

Năm 2013 và năm 2014 tiếp tục là thời gian khó khăn đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông. Trong dài hạn Việt Nam tin tưởng có đủ nội lực trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Biển Đông

b)  Sức mạnh thực sự của Việt Nam tại Biển Đông

Lịch sử Việt Nam từng chứng minh rằng, trong những lúc đất nước lâm nguy thì sức mạnh đoàn kết dân tộc đã từng là vũ khí quan trọng nhất để Việt Nam duy trì được chủ quyền của mình. Hiện tại, với vấn đề Biển Đông, Việt Nam đang trong tình trạng như thế. Việt Nam sẽ thực thi một cách thông minh nhất sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó sức mạnh đoàn kết, nói theo ngôn ngữ hiện đại là sức mạnh hội tụ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Sức mạnh hội tụ này thể hiện tại 3 tầng nấc:

- Hội tụ dân tộc Việt Nam (trong và ngoài nước)

Hiện tại, vấn đề Biển Đông là một chất keo gắn kết tình đoàn kết dân tộc. Hơn bất kỳ vấn đề nào khác, việc đẩy mạnh mọi lĩnh vực nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Biển Đông đã và đang nhận được sự đồng tình ủng hộ và thực hiện của tất cả những người Việt Nam yêu nước cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.

Ở trong nước, mọi chủ trương chính sách liên quan đến vấn đề Biển Đông đều được tất cả các cấp, các bộ ngành liên quan hoan nghênh và thực hiện.

Ở Việt Nam hiện nay, công tác nghiên cứu biển và hải đảo nằm rải rác dưới sự quản lý của 15 Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,… Hiện tại, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) đang là cơ quan chủ lực thực hiện “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (thường được gọi là Đề án 47), được triển khai từ năm 2006.

Vụ Khoa học xã hội và Tự nhiên (Bộ KH&CN) cũng là một cơ quan quản lý công tác nghiên cứu, trong đó có Chương trình “Khoa học công nghệ biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội” (KC.09/06-10) – một trong những Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Từ năm 2006 đến năm 2010, Chương trình này đã cấp kinh phí cho 28 đề tài trong đó có những công trình nghiên cứu về pháp lý, chủ quyền. Kết quả Chương trình thu được trong giai đoạn 2006 – 2010 tương đối khá, với 201 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí trong nước và 32 bài báo ở tạp chí quốc tế. Có thể nói, đây là một trong những đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Việt Nam.

Như phần trên đã đề cập, tại Việt Nam có rất nhiều hoạt động bao trùm nhiều lĩnh vực nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông.

Tại nước ngoài, cộng đồng người Việt tại nhiều nước: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga,  Canada, Australia v.v… luôn tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ chính sách yêu chuộng hòa bình giải quyết vấn đề Biển Đông theo nguyên tắc đa phương, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, phản đối nước ngoài có hành động khiêu khích và xâm phạm chủ quyền biển đảo, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của  Việt Nam.

Trước sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông, nhân dân trong nước và kiều bào ngoài nước đã xuống đường biểu tình đòi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Biểu tình của nhân dân trong nước diễn ra tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,  Việt kiều  đã biểu tình tại các nước châu Âu như Đức, Italia, Séc, Pháp, … tại châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan,…tại châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada… tại nhiều thành phố nước Australia. Đây là thí dụ điển hình của sự hội tụ dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.

- Hội tụ khu vực

Tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương hiện nay, vấn đề an ninh Biển Đông tại Đông Nam Á có mối liên hệ mật thiết với khu vực Đông Bắc Á. Những chủ trương, giải pháp trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông được Việt Nam đưa ra tại các hội nghị cấp cao và các diễn đàn khu vực thí dụ như ASEAN+1, ASEAN + 3, Cấp cao Đông Á (EAS), ARF, ADMM+,  phần lớn nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nước trong khu vực.

Quan điểm của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ DOC, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với quan điểm và lợi ích chung của các nước ASEAN đến nay đã được tất cả các nước ASEAN đồng tình, ủng hộ.

Trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 tai Nay Pyi Taw, Myanmar, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 11 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 14, việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cửa ngõ của ASEAN.đã bị tất cả các nước ASEAN phản đối. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông.  Đó là sự thể hiện tình đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN.

- Hội tụ quốc tế

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã nắm bắt xu thế Hòa bình- Hợp tác- Hữu nghị- Phát triển chung trên thế giới nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận yêu chuộng hòa bình.

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang nhận được sự nhất trí và sự ủng hộ về quan điểm giải quyết vấn đề an ninh, tranh chấp lãnh thổ và xung đột tại Biển Đông của nhiều nước, trong đó có các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Sự đồng tình và những hành động ủng hộ Việt Nam được thể hiện theo nhiều phương thức khác nhau tùy thuộc vào vị thế, quan điểm và chiến lược của từng quốc gia trên.

Với chiến lược toàn cầu, Hoa Kỳ đã tuyên bố trở lại châu Á- Thái Bình Dương, trong đó Hoa Kỳ đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam, trong đó có hợp tác quốc phòng.

Giống với Hoa Kỳ, Nga cũng đang thực hiện chiến lược trở lại châu Á. Việt Nam là nước có quan hệ tốt đẹp với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Hiện tại các học giả Nga hoàn toàn ủng hộ lập trường giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện rõ nét nhất trong Hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông được tổ chức tại Matxcơva năm 2013 và Hội nghị khoa học “Quần đảo Hoàng Sa 40 năm qua: Sự leo thang những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và những hậu quả địa chính trị tại khu vực”, được tổ chức tại Saint- Peterburg tháng 1 năm 2014. Những hành động thực tế mà nước Nga ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là việc cung cấp những trang thiết bị quân sự trong đó có những tàu ngầm hiện đại, tàu mặt nước.. và việc các công ty năng lượng hàng đầu của Nga tham gia khai thác các giếng dầu mới tại Biển Đông bất chấp sự phản đối của bên thứ ba. Các chuyến viếng thăm lẫn nhau thường xuyên của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định ý chí chính trị và lòng tin cùng sự ủng hộ lẫn nhau quan trọng.

Ấn Độ cũng là cường quốc châu Á có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Nước này luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Giống như Nga, các công ty năng lượng Ấn Độ đang cùng với Việt Nam khai thác một số giếng dầu tại Biển Đông mà không ngại sự phản ứng từ nước thứ ba. Ấn Độ có quan hệ tốt với Việt Nam trong hợp tác quân sự, giúp đào tạo các quân nhân vận hành tàu ngầm Kilo v.v…

Quan hệ Nhật Bản –Việt Nam là một trong những mối quan hệ song phương thuận lợi trong số các mối quan hệ với các nước châu Á. Vấn đề biển đảo của Nhật Bản có những nét gần giống với vấn đề biển đảo của Việt Nam. Hai nước cùng gặp rắc rối với nước láng giềng tranh chấp đầy tham vọng. Nhật Bản và Việt Nam cùng chung quan điểm giải quyết vấn đề biển đảo theo cơ chế đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế chung, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Dư luận Australia cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN trong giải quyết tranh chấp xung đột tại Biển Đông, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực.

Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, một số nhà phân tích chính trị quốc tế đã ví tình trạng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng giống như tình trạng của Ucraina liên quan đến vấn đề Crưm. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn về tình hình này, có thể thấy bề ngoài có một số điểm tương đồng giữa tình hình tại hai địa điểm trên. Trên thực tế, và bài học lịch sử của Việt Nam đã chứng minh, Việt Nam đã hiểu rất rõ về lý thuyết liên kết. Với quan điểm độc lập, tự chủ, tuân thủ nguyên tắc Hòa bình- Hữu nghị, Hợp tác- Phát triển, Việt Nam đã chủ động không ‘liên kết” thiên lệch. Một mặt, Việt Nam giữ vững lập trường độc lập tự chủ, mềm mỏng nhưng kiên quyết trong đối sách với Trung Quốc về tranh chấp biển đảo. Mặt khác, Việt Nam tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các các nước trong khu vực và các cường quốc ngoài khu vực có lợi ích liên quan ủng hộ mình nhưng Việt Nam không quá lệ thuộc thực thi những “điều khoản” họ nêu ra chỉ nhằm đạt mục đích  “thắng lợi” trước mắt mà không tính tới hệ lụy lâu dài.

Dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5 năm 2014. Những quan chức cao cấp thuộc chính phủ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippin, Singapore… đã lên án hành động “hung hăng”(9), “khiêu khích”, “hiếu chiến” của Trung Quốc làm “căng thẳng leo thang tại Biển Đông” và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động này. Các nhà khoa học và dư luận các nước EU, Nga, Anh, Đức,  Pháp, Italia, Australia, Canada…cũng đã có những tuyên bố và phát biểu và bài viết ủng hộ lập trường hành động mềm dẻo nhưng kiên quyết của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền trên biển, phê phán thái độ và hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Thậm chí những công dân có lương tri của Trung Quốc cũng phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa nói rằng, Trung Quốc là nước đã ký Công ước biển LHQ (UNCLOS 1982), cần phải hành xử theo các điều 74, 83 của Công ước, phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng. 

Có thể nói, sức mạnh thực sự của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông khó khăn và phức tạp chính là sức mạnh hội tụ. Tất cả đều rõ, nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế,.. Việt Nam khó có thể đứng vững trước cơn bão khát vọng “làm chủ” nước khác của các thế lực hiếu chiến diều hâu, trên thực tế đang có sức mạnh vượt trội so với Việt Nam.

Đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hiện nay, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đương thời: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó.

2. Kịch bản “xung đột cường độ thấp” tại Biển Đông và giải pháp của Việt Nam trong thời gian tới

Những năm gần đây, trên thế giới, tại Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về triển vọng phát triển của Trung Quốc, về tình hình an ninh, xung đột và tranh chấp tại Biển Đông với những căn cứ lập luận khác nhau tùy thuộc vào cách tiếp cận và quan điểm của tác giả.

Để có cách tiếp cận và những giải pháp ngăn ngừa và quản lý xung đột tại Biển Đông trong tương lai, các nước phải hình dung được những kịch bản có thể trở thành hiện thực tại đây. Có thể nêu 03 kịch bản về tình hình an ninh tại Biển Đông: 

 - Kịch bản tích cực một khu vực Biển Đông hòa bình và ổn định trong phát triển khu vực và thế giới.  Kịch bản này của an ninh Biển Đông có trở thành hiện thực hay không sẽ còn liên quan đến kịch bản thứ 2 và thứ 3 dưới đây về an ninh Biển Đông.

- Kịch bản tiêu cực-cuộc chiến tranh có nhiều bên tham gia

Đây là kịch bản hoàn toàn không mong muốn cho an ninh Biển Đông.

Khả năng trở thành hiện thực của kịch bản này rất nhỏ. Theo Viện sĩ Titarrenko M.L. Kịch bản Trung Quốc mạnh lên một cách bất thường trong tương lai trung hạn rất ít có khả năng trở thành hiện thực.  Tuy nhiên, không thể hoàn toàn loại trừ khả năng này.

- Kịch bản xung đột cường độ thấp. Kịch bản này sẽ diễn ra với các điều kiện: a) Trung Quốc phát triển liên tục, ổn định và ngày càng cao (kinh tế, quân sự, xã hội…), b) Các cường quốc mạnh lên, c) ASEAN mạnh lên,  d) Đã thông qua COC, e) Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 được sửa đổi, trong đó có những điều khoản có lợi cho những cường quốc biển.

Chúng ta xem xét cụ thể từng điều kiện:

a) Trung Quốc phát triển liên tục, ổn định và ngày càng cao (kinh tế, quân sự, xã hội,v…) Chúng tôi đồng tình với dự báo của Viện sĩ Titarenko M.L. như sau: Một kịch bản hiện thực hơn cả đáp ứng được quyền lợi của các nước láng giềng trong đó có nước Nga và Việt Nam là sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc diễn ra liên tục, ổn định và ngày càng cao trong khi vẫn duy trì những khuynh hướng hội tụ cơ bản hiện nay trong phát triển nội tại của đất nước, ưu tiên những cấu phần phát triển cho dù không nhanh lắm nhưng cân đối hơn, hài hoà hơn mang khuynh hướng xã hội hơn”.

Kịch bản này được đánh giá là có khả năng diễn ra hơn cả, đáp ứng được mong mỏi của chính người dân Trung Quốc và của đa phần các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nga, Ấn Độ  và Việt Nam...

b) Các cường quốc mạnh lên

Xu hướng phát triển trên của Trung Quốc cũng là xu hướng chung cho các nước khác trên thế giới, bao gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, v… Đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân của mình tại Thái Bình Dương(15). Nga, Ấn Độ cũng sẽ tăng cường sự hiện diện về hải quân tại khu vực này(16).

c) ASEAN mạnh lên

Các nước ASEAN bắt đầu thực thi các bước phát triển theo hình thức cộng đồng. Một số nước chậm phát triển hơn trước đây đã bắt nhịp cùng các nước phát triển hơn và tất cả các nước ASEAN đều vươn lên mạnh mẽ.

d) Đã thông qua COC

Bản Dự thảo COC được các nước ASEAN thông qua ngày 24/5/2012 tại Phompenh Campuchia(17), sau đó sẽ được Trung Quốc chấp nhận, thông qua và trở thành quy chuẩn cho các bên tuân thủ trong chính sách biển của mình.

e) Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 đã tồn tại được 30 năm (đến năm 2012). Hiện tại có dư luận cho rằng, trong điều kiện và bối cảnh quốc tế mới, một số điều khoản của Công ước này cần được sửa đổi bổ sung. Một khi có sửa đổi, các cường quốc biển, trong đó có Mỹ, Trung Quốc sẽ “nỗ lực” tạo ra những điều khoản có lợi cho mình.

Với những điều kiện trên, tình hình an ninh Biển Đông sẽ diễn ra theo kịch bản dưới đây:

- Trung Quốc tiếp tục áp dụng những biện pháp đảm bảo an ninh biển truyền thống và phi truyền thống tại vùng Biển Đông.

An ninh truyền thống là dùng những biện pháp mang tính quân sự để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia. Với “Giấc mộng Trung Hoa” do ông Tập Cận Bình đề xướng, trong đó có xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển hùng mạnh. Trong những năm gần đây Trung Quốc tăng cường đáng kể lực lượng hải quân nói chung và các đơn vị hải quân tại vùng Biển Đông nói riêng được nước này coi là một trong những công cụ cơ bản nhất đảm bảo thắng lợi trong trường hợp có xung đột trong các cuộc chiến tranh hiện đại để bảo vệ chủ quyền của mình. Toàn bộ châu Á và thế giới cần phải nhận diện rõ sự xuất hiện của một cường quốc biển hiếu chiến phong cách Trung Hoa.

Về những biện pháp đảm bảo an ninh biển phi truyền thống của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.

Trung Quốc chủ động cùng các nước ASEAN dần dần giải quyết vấn đề Biển Đông nơi lịch sử và hiện tại đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho hai đối tác này. Đây là một hướng đi tích cực mở ra triển vọng giải quyết tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên không phải tất cả các nước ASAEN liên quan đến vấn đề Biển Đông đều thống nhất quan điểm trên của Trung Quốc, Philippin và Việt Nam. Tồn tại sự e ngại nhất định về ý đồ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Quan điểm này cho rằng Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI đã vượt lên là cường quốc biển. Họ đang mở rộng “Hành lang Nam Á” trên bộ và thực hiện “Chiến lược hai đại dương”, chiến lược “xây dựng cường quốc biển” và “Giấc mộng Trung Hoa” tại Biển Đông.

Ngoài những hành động cụ thể trên, Trung Quốc còn đưa ra những lập luận không thể nào chấp nhận được. Theo họ, khi họ đánh chiếm các đảo thuộc vùng biển tranh chấp tại Biển Đông và rộng hơn là cả quần đảo Senkaku thì đó là việc họ thu hồi chủ quyền, các nước không nên gọi đó là “chiến tranh”. Kiểu chơi chữ này đã từng là những cái bẫy nguy hiểm trong một số vấn đề quốc tế trước đây mà một số nước, kể cả trong khu vực Đông Nam Á đã từng vướng phải.

Những hành động mang tính quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippin những năm đầu thập niên thứ hai thế kỷ XXI, cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một kịch bản “làm chủ thực tế tại Biển Đông”.

Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách lúc cứng, lúc mềm với từng quốc gia, diễn ra trong từng diễn đàn, từng tình huống. Điều đó tạo cảm giác không minh bạch về chính sách của Bắc Kinh, và tạo nên những tiên đoán khác nhau từ các nước liên quan.

Trung Quốc có thể tìm cách chế ngự các nước láng giềng thông qua sự kết hợp giữa hợp tác và ép buộc. Chính sách của Trung Quốc là có thể đoán trước và rất nhất quán, nó là sự đan xen giữa trấn an và mở rộng ảnh hưởng.

Trung Quốc dứt khoát từ chối quốc tế hóa các tranh chấp tại Biển Đông thông qua các đàm phán đa phương. Bằng cách giải quyết song phương, Trung Quốc có thể chia rẽ và thuyết phục; các cơ chế đa phương có thể đặt Trung Quốc trong một vị thế yếu hơn. Mục đích cuối cùng, khi Trung Quốc mạnh lên họ sẽ dùng biện pháp quân sự để thu hồi Biển Đông bằng những cuộc “xung đột cường độ thấp”. Kịch bản độc chiếm Biển Đông khoảng 20 năm trở lại đây sẽ được lặp lại. Trung Quốc đã và sẽ sử dụng một công thức tổng hợp để thực hiện tham vọng của mình: (i) Tấn công quân sự qui mô nhỏ; (ii) thực hiện đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng tranh chấp; (iii) đe doạ bằng vũ lực đối với ngư dân hoặc sử dụng sức ép kinh tế đối với các tập đoàn dầu khí quốc tế nhằm ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai thác tài nguyên ở vùng tranh chấp; (iv) chia rẽ các nước trong khu vực bằng kinh tế và ngoại giao; (v) tuyên truyền chủ quyền và thái độ cứng rắn của họ đối với vấn đề Biển Đông trên toàn thế giới để các nước phải e ngại.

Công thức này của Trung Quốc có mục tiêu hướng vào việc thiết lập chủ quyền của họ đối với Biển Đông trên thực tế (de facto), mặc dù về mặt pháp lý (de jure) điều này không biện hộ được.

Vào những ngày đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương – 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn huy động trên 80 tàu (lúc cao điểm lên đến hơn 100 tàu), trong đó có cả các tàu chiến, với cớ bảo vệ giàn khoan, tạo căng thẳng tại vùng biển của Việt Nam. Những tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam, dùng súng bắn nước và vòi rồng phun sang các tàu Việt Nam làm hư hại một số tàu và gây thương tích cho 9 nhân viên kiểm ngư của Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết”. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Hành động gây chấn động dư luận quốc tế này của Trung Quốc làm tổn hại quan hệ hai nước Trung- Việt và làm cho tình hình an ninh Biển Đông khó có thể được giải quyết.

Động thái trên của Trung Quốc nhằm một số mục tiêu lớn như sau: a) Làm dịu bớt tình hình căng thẳng tại Trung Quốc thời gian gần đây, b) Buộc Việt Nam đi vào đàm phán thực chất về phân định vùng cửa biển Vịnh Bắc Bộ; c) Kích động dư luận làm ảnh hưởng đến chính sách hòa bình, hữu nghị của Việt Nam; d) Thăm dò phản ứng của dư luận khu vực và quốc tế đối với việc Trung Quốc dần dần khẳng định quyền kiểm soát thực tế 80% diện tích Biển Đông, e) Là một trong những bước đi thực tế thử nghiệm thực thi chiến lược “xây dựng cường quốc biển” và “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình.

- Với các nước liên quan đến Biển Đông

Các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippin, phải gồng mình mua sắm thêm vũ khí tự vệ khi cần thiết. Đồng thời họ cũng tích cực tiến hành đấu tranh ngoại giao buộc đối phương thực thi các điều khoản của  DOC, nhất là COC sau khi đã được thông qua

Một số nước ngoài khu vực như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia…tích cực hơn trong các quan hệ với các nước ASEAN và có những hành động cụ thể “cản trở” Trung Quốc trong việc nước này thể hiện những hành động “quá mức cho phép” tại Biển Đông.

Các nước cần một quy tắc ứng xử "Biển Đông" mới bao gồm: a) Tất cả các bên tham gia theo phương thức đa phương; b) Quy định về quy tắc tranh chấp lãnh thổ, lẫn quyền lưu thông trên biển; c) Giải quyết xung đột trên phương thức hòa bình và d) Mang tính pháp lý ràng buộc, đang là một giải pháp tiệm cận gần nhất với lợi ích của từng nước.

Đây là kịch bản có nhiều khả năng trở thành hiện thực nhất.

Vì những lý do trên, những gợi ý, đề xuất cho những giải pháp giải quyết vấn đề Biển Đông đối với cả khu vực nói chung và đối với từng nước đặc biệt là đối với Việt Nam nói riêng, nên tập trung theo kịch bản này.

Có rất nhiều gợi ý đề xuất của các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học Nga nhằm giúp Việt Nam có những giải pháp giải quyết vấn đề xung đột và tranh chấp tại Biển Đông.

Việt Nam sẽ tham khảo những đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề Biển Đông theo kịch bản “xung đột cường độ thấp” trong tương lai của các Bộ ngành, các nhà chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài, trong đó có các nhà chính trị và khoa học Nga.

Về nguyên tắc: Việt Nam luôn theo đuổi giải pháp hòa bình trong vấn đề Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ DOC,  xây dựng và tuân thủ COC.

Về giải pháp cụ thể. Góp phần làm phong phú thêm những gợi ý đã từng được công bố, bài này xin đề xuất thêm một giải pháp mới, cụ thể khác trong giải quyết vấn đề an ninh Biển Đông của Việt Nam liên quan đến Nga, Việt Nam. Đó là đề xuất, xây dựng và thực hiện tam giác Nga-Ấn- Việt.

 Nga và Ấn Độ có lợi ích thiết thực tại Biển Đông. Trong lịch sử và hiện nay quan hệ song phương Nga - Việt Nam, Ấn Độ - Việt Nam đều tốt đẹp, có rất ít những khó khăn, cản trở. Quan hệ Nga- Ấn Độ cũng tốt đẹp.

Sự hợp tác năng lượng, quân sự Nga- Ấn Độ- Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ và có những kết quả tích cực.

Trong tương lai, mối quan hệ này có nhiều cơ sở để phát triển tốt hơn. Trước hết, cả 3 nước đều tuyên bố và trên thực tế, đang theo đuổi chính sách ngoại giao và đối ngoại hòa bình. Trong lịch sử cũng như hiện nay, giữa ba nước không tồn tại những vấn đề mang tính lịch sử. Mối quan hệ ba nước hoàn toàn không vụ lợi, không ảnh hưởng đến nước thứ ba, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Về mối quan hệ không vụ lợi, Tổng thống Nga V. Putin từng viết: “Song có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi - đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau, là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác không khi nào phản bội”.

So với một số “tam giác” khác liên quan đến khu vực này như một số tài liệu khoa học đề cập ví dụ như:Nga-Trung- Việt, Nga-Trung- Ấn, Nhật Bản- Hàn Quốc- Trung Quốc, v.v…thì khả năng hiện thực và hiệu quả thực chất trong phát triển tam giác Nga- Ấn- Việt có triển vọng hơn. Nếu điều đó trở thành hiện thực Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt hơn trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông

Kết luận

Hiện tại, đối với Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách thời sự và rất khó khăn phức tạp. Năm 2013, 2014, tiếp tục là thời gian mà Việt Nam phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài liên quan đến chủ quyền biển đảo tại Biển Đông, đặc biệt là vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương -981 tại vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều giải pháp mang tính tổng hợp và trước mắt nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại.

Trong thời gian trung và dài hạn một kịch bản mang tính hiện thực nhất đối với an ninh Biển Đông đó là “xung đột cường độ thấp”.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết vấn đề Biển Đông, Việt Nam phải có chiến lược lâu dài, một giải pháp mang tính tổng hợp. Việc đề xuất và thực thi tốt mối quan hệ tam giác Nga - Ấn- Việt sẽ là một gợi ý góp thêm sức mạnh cho giải pháp tổng thể trên.

Trên thực tế, Việt Nam có đủ sức mạnh nội lực để thực hiện cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc trên đất liền cũng như chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Đó là sức mạnh đoàn kết, hội tụ trong nước và quốc tế  của một dân tộc vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời đã được minh chứng bởi lịch sử chống ngoại xâm trong nhiều thế kỷ qua. Một khi tất cả những người dân có cùng dòng máu Lạc Hồng cùng đồng lòng nhất trí và được sự ủng hộ vô tư của những người yêu chuộng hòa bình ở bên ngoài thì không một kẻ thù nào có thể khuất phục được dân tộc Việt Nam.

TS. Đỗ Minh Cao

Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông

 





Các tin khác

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang (01/04/2014)
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2012 (01/04/2014)
Điện mừng 64 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (08/02/2014)
Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới (17/10/2013)
Điện mừng Quốc khánh Trung Quốc (02/10/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (08/08/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (08/08/2013)
Bộ trưởng Ngoại giaoTrung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam (08/08/2013)
Những điều không thể nói ra (20/03/2013)
Triển vọng quan hệ Trung - Việt trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI (19/03/2012)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn