TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9854700
 
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
Trung Quốc và Mỹ với an ninh Đông Á từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tác động và dự báo (16/09/2020)

Đông Á được biết đến là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 (Theo WESP – 2020 của Liên hợp Quốc). Tuy nhiên đây cũng là khu vực có nhiều nguy cơ tiềm ẩn xung đột, đặc biệt là giữa các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, chính những nguy cơ này tạo ra những thay đổi lớn đối với an ninh khu vực. Đặc biệt kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017, cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia này ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng. Có thể nói, với những sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ trong thời gian qua cho thấy hình thái chính của sự cạnh tranh về vai trò của Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh khu vực đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ đối với những vấn đề an ninh của các quốc gia trong khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp trên, để nhận diện rõ hơn vài trò của Mỹ và Trung Quốc đối với những vấn đề nóng của an ninh khu vực Đông Á hiện nay cũng như những tác động trực tiếp và gián tiếp đối với an ninh trong khu vực trong đó có Việt Nam, năm 2020, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn sách tham khảo với tựa đề: “Trung Quốc và Mỹ với an ninh Đông Á từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tác động và dự báo” do TS. Lê Văn Mỹ làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài: “Vai trò của Trung Quốc và Mỹ đối với an ninh Đông Á từ sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tác động và dự báo”.

Ngoài Lời nói đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách được kết cấu thành 4 chương:

Chương 1. Đông Á với lợi ích chiến lược của Trung Quốc và của Mỹ

Nội dung chính của chương này tập trung làm sáng tỏ 2 vấn đề sau: Thứ nhất,  lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Mỹ tại khu vực Đông Á. Trong đó, mục tiêu chiến lược thiên niên kỷ của Trung Quốc liên quan đến Đông Á là thể thiện tham vọng bá chủ khu vực và vươn ra thế giới. Chính vì vậy, Bắc Kinh đang trở thành “ông chủ mới” trong khu vực, đặt ra nhiều thách thức về an ninh và kinh tế cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nước nằm trong điểm rốn của vòng xoáy căng thẳng hiện nay. Với Mỹ, nhóm nghiên cứu khẳng định, kể từ sau chiến tranh lạnh, Mỹ có nhiều lợi ích tại khu vực này trên nhiều phương diện về địa chiến lược, kinh tế và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, Mỹ luôn coi Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia của mình. Ngoài ra, khu vực này giúp Mỹ duy trì sức mạnh và vai trò bá quyền của mình trong khu vực và trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, về dài hạn, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn hơn sẽ trở thành khu vực địa chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng hơn sẽ trở thành địa bàn chiến lược mới của Mỹ trong việc duy trì vị thế lãnh đạo và cạnh tranh giành ảnh hưởng đối với Trung Quốc

Thứ hai, bàn về cấu trúc an ninh khu vực Đông Á hiện nay, bên cạnh hệ cấu trúc an ninh kép và cấu trúc an ninh đa phương nhóm tác giả đề cập tới việc nỗ lực thúc đẩy một cấu trúc an ninh mới dưới tầm nhìn của cả Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, một cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang có sự chuyển biến, định hình với sự tham gia của nhiều thực thể mới. Trong kiến trúc mới này, nghiên cứu chỉ ra rằng, Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng vai trò chi phối chính đối với cấu trúc an ninh khu vực Đông Á hiện nay và tương lai

Chương 2. Trung Quốc và Mỹ đối với những vấn đề an ninh Đông Á hiện nay

Tập trung phân tích một số vấn đề an ninh nổi bật nhất khu vực Đông Á hiện nay: (i) Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; (ii) Vấn đề tranh chấp chủ quyền và tình trạng căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông; (iii) Vấn đề Đài Loan; (iv) Những vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực. Bằng việc đưa ra những tài liệu thuyết phục cùng với những dẫn chứng cụ thể trong từng chính sách của Trung Quốc và Mỹ, nghiên cứu cho người đọc thấy rõ hơn về sự can dự của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề an ninh Đông Á. Nhóm tác giả khẳng định, vai trò của Trung Quốc là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra và làm gia tăng những căng thẳng thách thức đối với những vấn đề an ninh trong khu vực. Vai trò của Mỹ là chủ đạo trong việc cung cấp những bảo đảm về an ninh, duy trì ổn định và thúc đẩy các quan hệ đối tác tại khu vực Đông Á trong những năm vừa qua

Chương 3. Nhân tố một số nước lớn khác đối với an ninh Đông Á

Nhân tố một số nước lớn khác đối với an ninh Đông Á góp phần tạo nên sự chuyển biến cục diện anh ninh Đông Á được đề cập trong chương này bao gồm: Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và ASEAN. Trên cơ sở phân tích, diễn giải trong đó tập trung vào những lĩnh vực quan trọng nhất mà các nước và tổ chức này can dự, nhóm tác giả khẳng định, sự can dự của các cường quốc vào tình hình an ninh khu vực góp phần quan trọng làm thay đổi cán cân quyền lực tại đây, tạo nên việc định hình cục diện an ninh mới. Tuy nhiên, do các điều kiện nội tại và khách quan, do quan điểm và thực lực của mình, cả ASEAN lẫn ba cường quốc kể trên, trong các hoạt động can dự thực tế vào tình hình an ninh Đông Á cho thấy họ mới chỉ là các đấu thủ hạng hai (secondary player) trong “ván cờ lớn” tại Đông Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Trong định hình cục diện an ninh Đông Á, họ cũng chỉ đứng ở tầng thứ hai (secondary layer) sau hai siêu cường là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chương 4. Tác động và dự báo về sự can dự của Trung Quốc, Mỹ đối với an ninh Đông Á

Tập trung phân tích những tác động cả tiêu lẫn tích cực về sự can dự của Trung Quốc và Mỹ đối với an ninh Đông Á. Trong đó, những vấn đề an ninh nóng bỏng tại Đông Á có ảnh hưởng và tác động đa chiều trên nhiều lĩnh vực đối với Việt Nam. Từ những kết quả nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đưa ra những dự báo về sự cạnh tranh chiến lược của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc và những ảnh hưởng của chúng đến tình trạng của cấu trúc an ninh Đông Á trong thời gian tới. Xuất phát từ tình hình thực tế cũng như những dữ liệu nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam về triển vọng của thế giới và khu vực trong tương lại, riêng về lĩnh vực an ninh, nhóm tác giả đã hình dung tới tới ba kịch bản cơ bản nhất: Thứ nhất, kịch bản lý tưởng – kịch bản hòa bình, ổn định; Thứ hai, kịch bản cực đoan – chiến tranh; Thứ ba, kịch bản thực tế - xung đột cường độ thấp. Cuối cùng nhóm tác giả nhận định, trong tương lai gần, Đông Á chưa thể trở thành khu vực ổn định về an ninh. Biển Đông chưa thể là vùng biển hòa bình ổn định. Hai siêu cường, với sự can dự của mình vào an ninh Đông Á, vẫn là những nguyên nhân đồng thời là những lực lượng chính sinh ra và giải quyết những bất ổn tại Đông Á, bao gồm các vấn đề nóng bỏng nổi trội như vấn đề Đài Loan, tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, quân sự hóa và bất đồng, tranh chấp tại Biển Đông…

Với những nội dung trên, hy vọng cuốn sách là nguồn tài liệu hữu ích cho những độc giả quan tâm tới vấn đề an ninh ở Biển Đông, đặc biệt là sự can dự của Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh ở Đông Á.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nguyễn Minh Hồng


Nhà xuất bản Khoa học xã hội




Các tin khác

40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc nhìn lại và triển vọng (04/11/2019)
Trung Quốc trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tác động và ảnh hưởng (06/01/2017)
Phát triển kinh tế xanh trong chuyển đổi phương thức phát triển ở Trung Quốc (22/11/2016)
Nghiên cứu, đánh giá đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam (19/02/2016)
Chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc tác động và ảnh hưởng (13/05/2014)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc 20 năm xây dựng và phát triển (15/10/2013)
Quan hệ Việt Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc (15/10/2013)
Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam (15/10/2013)
Quan hệ “hai bờ, bốn bên” trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam (15/10/2013)
Chính trị Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam (15/10/2013)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn