TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9854689
 
DIỄN ĐÀN TRAO ĐỔI
Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc ra sao (18/05/2020)

Năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc "cứng" vào một nguồn cung nguyên liệu. Covid-19 ập đến, được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn.

Kiềm chế tốt Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành. Hãng này cũng tăng sản xuất Airpod tại Việt Nam từ tháng 3. Hay Samsung cũng từng tính chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam.

Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam cũng chỉ là một tay đua trong cuộc đua hút vốn này và ngày càng có nhiều đối thủ nặng ký ở châu Á.

Thực tế các quốc gia Đông Nam Á khác và nhất là Ấn Độ đã nhanh chân tung nhiều chính sách hút vốn dòng vốn ngoại, đón thời cơ mới. Tháng 4, Chính phủ Ấn Độ đã đưa một loạt ưu đãi để lôi kéo hơn 1.000 công ty Mỹ rời Trung Quốc. Nước này ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi. Họ thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, họ vẫn còn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Họ cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử...

Thái Lan cũng "bật đèn xanh" bằng loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài. 

Tương tự, Malaysia giữa năm ngoái đã đưa ra một chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô 1 tỷ ringgit (khoảng 240 triệu USD) nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài chọn họ là điểm đến.

JLL trong một báo cáo mới đây khi phân tích về chính sách thu hút đầu tư trong "giai đoạn bình thường mới" cũng cho rằng, Việt Nam không phải điểm đến hấp dẫn nhất.

Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam phân tích, mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.

Bên cạnh đó, không phải ngành, lĩnh vực sản xuất nào của Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận thời cơ. Điển hình là công nghiệp hỗ trợ, ngành này được dự báo "đón nhận ít thông tin lạc quan từ thời cơ mới".

Theo bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu việc chuyển giao, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... có lợi thế hơn hẳn.

Lý do là, quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, dây chuyền, máy móc ít... nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Chỉ vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.

Ngoài ra, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, cần nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan, Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.

Nhưng vấn đề khó khăn nhất là ngay cả khi đạt chất lượng, chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. "Nếu so với các hỗ trợ mà công nghiệp hỗ trợ ngành chế tạo được chính phủ các nước áp dụng thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi", bà Chí Bình nhận xét.

Về phần mình, Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều chính sách thay đổi. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI "sạch", công nghệ cao trong bối cảnh mới. 

Giáo sư Mại cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình, Việt Nam phải "chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị". 

Để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, ông Nguyễn Mại cho rằng, Chính phủ cần cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép. Cuối cùng là hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.

Trong khi đó, theo ông Lộc, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam đón nhận cơ hội này. Theo đó, mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAn cần "kiên định hiện thực hoá và coi đó là thước đo đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị của người đứng đầu ở các ngành, địa phương". 

Ngoài thể chế, đẩy nhanh chính sách thông thoáng thu hút vốn FDI, Chính phủ cũng cần chăm chút cho thị trường nội địa. Việc này có thể làm thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng, ngành công nghiệp nội địa phát triển, tránh sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nước ngoài và gặp trở ngại khi đứt gãy mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ đón bắt được thời cơ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, bà Trương Thị Chí Bình góp ý, Chính phủ cần có tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang thị trường thứ ba.

Song song đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất (industrial cluster), hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. "Cần xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo", bà nhấn mạnh. 

Theo https://vnexpress.net




Các tin khác

Trung Quốc và Việt Nam phát huy ưu thế của hệ thống chính trị trong phòng chống COVID-19 (12/05/2020)
"Một vành đai một con đường" - Nấc thang mới trong cạnh tranh chiến lược Trung Mỹ (20/05/2016)
Quân sự hóa các đảo - Mưu đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (18/05/2016)
Sự hình thành cục diện địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga (18/05/2016)
Cả thế giới bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc (11/01/2015)
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều thế kỷ (28/11/2014)
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả, chính khách Mỹ và phương Tây (27/08/2014)
Nhìn lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam (27/08/2014)
Ghi nhận về quần đảo Hoàng Sa của nhà địa lý học Trung Hoa cuối thế ky XIX trong tác phẩm Việt Nam Địa dư đồ thuyết (15/07/2014)
Quốc tế công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ lâu. (15/07/2014)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn