TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9349546
 
HỘI NGHỊ - HỘI THẢO
Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân: kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam (28/02/2008)

Tham dự Hội thảo có nhiều học giả, các nhà khoa học nổi tiếng đến từ Trung Quốc và gần 100 đại biểu đến từ  nhiều cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, các bộ, ban, ngành và địa phương ở Việt Nam.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 12 bản tham luận phản ánh 3 nội dung  lớn xoay quanh chủ đề chính của Hội thảo: Những vấn đề chung về “Tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân); những vấn đề về cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; những vấn đề về xã hội nông thôn.         
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam nói: “Về thực chất, “tam nông” là một hệ vấn đề tổng thể, xuyên suốt và gắn kết với toàn bộ quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Đây chính là một trong những chủ đề quan trọng nhất mà cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc hiện đang tập trung nghiên cứu giải quyết”.
Chủ tịch Đỗ Hoài Nam nhấn mạnh “Chúng ta đang chứng kiến những bức xúc xã hội đang tích đọng trong nông thôn. Bình đẳng xã hội, dân chủ cơ sở nông thôn, hiệu lực và chất lượng hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, v.v… là những vấn đề lớn và phức tạp đang đặt ra gay gắt trong quá trình phát triển của khu vực nông thôn hiện nay. Triển vọng nào cho khu vực nông thôn và nông nghiệp; cơ hội nào mở ra cho nông dân trong giai đoạn phát triển mới với tác động đa chiều của toàn cầu hoá, hội nhập và cạnh tranh quốc tế sâu rộng và khốc liệt? Đó là những câu hỏi cần  được giải đáp”.
Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Đỗ Hoài Nam, Hội thảo đã nghe học giả hai nước trình bày những nội dung chính trong bản tham luận và nghe ý kiến phát biểu, trao đổi của các đại biểu.
Nhiều đại biểu cho rằng Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng trong quá trình phát triển. Sự nghiệp “Cải cách mở cửa” của Trung Quốc và “Đổi mới” của Việt Nam đều vì một mục tiêu chiến lược chung là xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội. Thời gian qua, hai nước Việt - Trung đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong việc cải biến xã hội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình ấy đã nảy sinh nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là vấn đề “Tam nông”. Vì rằng, “Tam nông” không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội, chính trị: không có sự ổn định của nông thôn thì không có ổn định của toàn xã hội, không có sự giàu có của nông dân thì không có sự giàu có của cả nước, không có hiện đại hoá nông nghiệp thì không có hiện đại hoá đất nước. Do vậy, giải quyết vấn đề “Tam nông” về thực chất là giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra hiện nay đối với cả Việt Nam và Trung Quốc.
Một số ý kiến trong tham luận của các học giả cũng như nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo, dù còn có sự khác nhau về mức độ đánh giá thực tại, nhưng đều cho rằng: để giải quyết tốt vấn đề  “Tam nông”, kể cả ở Trung Quốc và Việt Nam, không chỉ đơn thuần một sớm, một chiều mà là cả một quá trình lâu dài, vì bản thân vấn đề “Tam nông” ở mỗi nước là nhóm vấn đề tụ hợp đầy đủ tất cả những vấn đề phức tạp trong quá trình cải biến từ một xã hội nông dân, dựa trên nền sản xuất nông nghiệp cổ truyền và lạc hậu sang một xã hội công nghiệp hiện đại.
Trên cơ sở thảo luận những vấn đề lớn đang đặt ra cho “Tam nông” ở mỗi nước, một số ý kiến đã đi sâu phân tích tình cảnh của nông dân hiện nay như: vấn đề thu nhập của nông dân, tình trạng phân hoá giàu nghèo trong nội tại xã hội nông thôn và giữa thành thị với nông thôn đang ngày càng sâu sắc; vấn đề đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; vấn đề việc làm và tình trạng thất nghiệp; vấn đề học vấn của nông dân và con em nông dân; vấn đề môi trường và bảo vệ sinh thái; vấn đề bảo hiểm y tế  của nông dân và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; vấn đề phí và lệ phí đối với nông dân,v.v…
Tựu trung lại, các học giả tham gia hội thảo đều nhất trí cho rằng: Trong tình hình của hai nước Việt - Trung hiện nay, giải quyết vấn đề “Tam nông” về thực chất là giải quyết vấn đề nông dân. Giáo sư Lục Học Nghệ (Trung Quốc) nói: ở Trung Quốc, nông dân bị coi là nhóm người yếu thế, thể hiện ở việc hiện nay quyền tài sản ở nông thôn vẫn chưa rõ ràng, nông dân không có quyền bảo vệ ruộng đất khoán, thậm chí nhà ở của mình. Bởi vì ruộng đất có thể bị trưng dụng bất cứ lúc nào, nhà cửa của chính mình có thể bị di dời để giải phóng mặt bằng bất cứ lúc nào. Bởi lẽ đất ở thuộc sở hữu tập thể, nông dân không có quyền đem ra thế chấp để vay ngân hàng. ở Việt Nam, quyền sở hữu tài sản của nông dân khác với Trung Quốc, nhưng nông dân suy cho cùng vẫn là nhóm người yếu thế.  Do vậy, phải đặt nông dân là chủ thể trong “Tam nông” mới có thể đề ra được các quyết sách, tìm ra được các giải pháp đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở mỗi nước. Nhấn mạnh tầm quan trọng của “Tam nông”, nhiều đại biểu còn nêu lên những kiến nghị coi “Tam nông” là trọng tâm trong trọng tâm toàn bộ công tác của Đảng, chính quyền và các cơ quan hữu quan.
Nhìn chung, ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc hết sức phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá. Tất cả các ý kiến của học giả hai nước đều hướng tới mục tiêu rút ra những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc và của Việt Nam, bổ sung lẫn nhau để từ đó tìm ra các giải pháp, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, đường lối đối với vấn đề “Tam nông” ở mỗi nước.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam nói: Qua hai ngày Hội thảo, các nhà khoa học, các vị khách quý Trung Quốc và Việt Nam đã trình bày ý kiến của mình về nhiều nội dung liên quan đến vấn đề “Tam nông” mỗi nước. Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề “Tam nông” trong các thời kỳ phát triển. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Có những lúc vấn đề “Tam nông” chưa được giải quyết và trở thành bức xúc. Cả hai nước đang phải cố gắng trong quá trình cải biến xã hội nông nghiệp sang công nghiệp hiện đại trên đặc thù của từng quốc gia.
Hội thảo lần này là cơ hội tốt để chúng ta trao đổi, so sánh, học tập kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công của mỗi nước. Đây là cuộc Hội thảo khởi động, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động tiếp theo như: tiếp tục  cùng nhau nghiên cứu vấn đề “Tam nông”; tổ chức các đoàn đi khảo sát thực tế ở một số địa phương Trung Quốc và Việt Nam, để năm sau (năm 2008) chúng ta lại gặp nhau thảo luận.
Trên nền tảng cuộc Hội thảo lần này, Chủ tịch Đỗ Hoài Nam đề nghị chủ đề của cuộc Hội thảo năm tới sẽ là “Những khía cạnh xã hội trong quá trình giải quyết vấn đề Tam nông: thành tựu, những vấn đề đặt  ra ở Trung Quốc và Việt Nam.
Nhấn mạnh chủ đề Hội thảo năm tới, Chủ tịch Đỗ Hoài Nam nói: Trong quá trình cải cách mở cửa ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đòi hỏi các nhà khoa học cả hai nước cần phải luận giải. Hai nước Việt, Trung tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đều bắt đầu tích luỹ từ nông nghiệp, chúng ta quá kéo dài thời gian tích luỹ từ nông nghiệp nên để nông thôn xẩy ra nhiều vấn đề bức xúc, để chủ thể xã hội, chủ thể nông dân kéo dài khó khăn, để nhiều vấn đề về nông dân chưa được giải quyết thoả đáng. Thành quả của cải cách mở cửa ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam dường như nông dân là người thiệt thòi nhất, được hưởng ít lợi nhất, do vậy vấn đề nông dân rất cần thiết phải tiếp tục được thảo luận.
Chủ tịch Đỗ Hoài Nam kết luận, Hội thảo quốc tế “Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân: kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam” lần này đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu đề ra, tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu.
Thay mặt Lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam, thay mặt Ban tổ chức Hội thảo Chủ tịch Đỗ Hoài Nam cảm ơn các học giả Trung Quốc đã nhận lời mời tích cực tham gia Hội thảo và đề nghị Giáo sư Cốc Nguyên Dương, Giáo sư Lục Học Nghệ và các nhà khoa học khác của Trung Quốc tiếp tục phối hợp với Viện KHXH Việt Nam cùng nhau nghiên cứu những vấn đề hai nước đặt ra; cảm ơn các học giả, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã tham gia Hội thảo; cảm ơn các báo, các đài phát thanh và truyền hình đã đến tham dự và đưa tin về Hội thảo; cảm ơn tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện Nghiên cứu Trung Quốc, các cán bộ và nhân viên Văn phòng Viện KHXH Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong quá trình tổ chức Hội thảo. Tài liệu của Hội thảo lần này sẽ được xuất bản thành kỷ yếu.

Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Hội thảo quốc tế “Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân: kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam  đã thành công tốt đẹp.     

                                                                                                                            Nguyễn Đình Liêm




Các tin khác

Các giải pháp phát triển hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới (28/02/2008)
Hội thảo quốc tế “Hợp tác vì hoà bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới” (07/10/2011)
Chương trình hội thảo quốc tế"Ba mươi năm cải cách mở cửa của trung quốc thành tựu và kinh nghiệm" (03/12/2008)
Sự phát triển văn hóa và con người ở một số nước Đông Á- bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (07/09/2008)
Tọa đàm “Triển vọng cải cách chính trị ở Trung Quốc (16/10/2010)
Hội thảo khoa học "Cơ chế hợp tác phát triển giữa các tỉnh Tây Bắc -Việt Nam với tỉnh Vân Nam-Trung Quốc" (05/07/2010)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (14/06/2010)
Việt Nam - Trung Quốc: Tăng cường hữu nghị, mở rộng hợp tác, cùng nhau phát triển (31/05/2010)
Cộng hòa nhân dân trung hoa - 60 năm xây dựng và phát triển (20/01/2010)
Sự phát triển văn hóa và con người ở một số nước Đông á. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế (19/01/2010)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn