TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9375131
 
QUAN HỆ VIÊT-TRUNG
Bàn về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Đông Trung Quốc (14/06/2010)

    Tỉnh Quảng Đông nằm ở cực Nam của Trung Quốc. Toàn tỉnh diện tích là 179.800 km2, tổng dân số thường trú là 95,44 triệu người.
    
Tỉnh Quảng Đông là cửa ngõ mở cửa của Trung Quốc, đang ra sức phát triển kinh tế theo mô hình mở cửa, lấy thông tin hóa thúc đẩy công nghiệp hóa, đẩy mạnh sự phồn vinh kinh tế, sự nghiệp xã hội. Kinh tế quốc dân của Quảng Đông phát triển liên tục, nhanh, mạnh, thực lực kinh tế tổng hợp liên tục xếp ở vị trí hàng đầu cả nước trong nhiều năm, các chỉ tiêu kinh tế quan trọng là tổng giá trị sản phẩm, tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng, giá trị gia tăng công nghiệp, dự trữ của người dân, thuế thu nhập, thu tài chính, mức đầu tư tài sản cố định toàn xã hội, lượng vận chuyển hàng hóa, số lượng xin đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ… đều chiếm vị trí số một cả nước. Quảng Đông với tinh thần mạnh dạn mở đường, tích cực tham gia vào phân công quốc tế, nỗ lực bắt kịp với kinh tế quốc tế, đã hình thành cục diện mới mở cửa đối ngoại toàn diện, nhiều cấp độ, lĩnh vực rộng. Kinh tế hướng ngoại đã đạt thành tựu kinh ngạc, thương mại xuất nhập khẩu liên tục trong 18 năm đứng đầu Trung Quốc, thu hút đầu tư nước ngoài chiếm ¼ cả nước, đã trở thành địa phương phát triển nhanh nhất về kinh tế, ngoại thương và thị trường có sức sống nhất và có sức thu hút đầu tư nhất Trung Quốc. 
    Năm 2008, tổng giá trị sản phẩm của Quảng Đông đạt 3569,646 tỷ NDT, ước khoảng bằng 463,6 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4880 USD. So với Việt Nam, trình độ phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Đông có ưu thế vượt trội.
    Nhưng nhiều năm qua, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, kinh tế đối ngoại của tỉnh Quảng Đông chủ yếu thể hiện ở phương diện thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu mà ít chú trọng đầu tư trực tiếp ra bên ngoài. Nhiều năm qua, các hạng mục hợp tác kinh tế đối ngoại của tỉnh Quảng Đông luôn hướng tới khu vực Âu Mỹ, Nhật Bản và “bốn con rồng châu Á” mà rất ít triển khai hợp tác kinh tế với cac quốc gia Đông Nam Á. Tỉnh Quảng Đông bắt đầu chú ý và coi trọng việc đầu tư ra bên ngoài mới gần hai năm nay. Bối cảnh của nó là:
    
Thứ nhất, sự phát triển kinh tế Quảng Đông và sự tăng cường thực lực tổng thể làm cho bản thân tỉnh này có năng lực đầu tư hướng ngoại.
    
Thứ hai, để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới mới, Quảng Đông đề xuất chiến lược “chuyển dịch ngành nghề” và “chuyển dịch sức lao động”, cũng gọi tắt là “hai chuyển dịch”. Hai chuyển dịch cụ thể là chuyển dịch ngành nghề tập trung nhiều lao động ở đồng bằng sông Chu sang hai cánh của Quảng Đông và vùng miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Đông; còn lao động của hai cánh Quảng Đông và vùng núi phía Bắc tỉnh Quảng Đông thì một mặt chuyển dịch sang ngành nghề thứ hai và thứ ba ở khu vực đó, mặt khác một số lao động trình độ cao thì chuyển dịch sang khu vực phát triển là đồng bằng sông Chu.Vì vậy, Quảng Đông bắt đầu chú trọng tới việc đầu tư vào Việt Nam.
    
Tháng 9.2008, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông là Uông Dương dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Quảng Đông đi thăm Việt Nam, hai bên (Hải Phòng- Việt Nam và Thâm Quyến- Trung Quốc) đã ký kết Hiệp định xây dựng khu hợp tác thương mại kinh tế. Khu hợp tác thương mại kinh tế Việt- Trung (Hải Phòng- Thâm Quyến) nằm trong khu vực huyện An Dương- thành phố Hải Phòng- Việt Nam, có diện tích 800 hecta. Giai đoạn đầu sau khi xây dựng xong 2 km2, kế hoạch có trên 170 doanh nghiệp đầu tư, giá trị sản phẩm bình quân năm ước trên 25 tỷ NDT, có thể tạo ra từ 30.000- 50.000 việc làm cho lao động.
    Ngày 20.10.2009, cuộc hội đàm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam- Trung Quốc (Quảng Đông) năm 2009 đã long trọng diễn ra tại thành phố Hà Nội- thủ đô của Việt Nam. Tỉnh trưởng Hoàng Hoa Hoa dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Quảng Đông với 12 ngành nghề như dệt, may mặc, điện gia dụng, điện tử, y dược, vận tải hàng hóa…. trong đó gồm hơn 280 doanh nghiệp Quảng Đông, cùng tham dự có trên 1000 người gồm quan chức cấp cao, giới doanh nghiệp công thương và giới du lịch của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Đông đã ký tổng cộng các hạng mục thương mại và hợp tác đầu tư đạt mức 2,713 tỷ USD.
    
Sau khi hai đoàn đại biểu trên thăm Việt Nam, người chịu trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực này của Quảng Đông đã nhiều lần phát biểu với báo chí bày tỏ quyết tâm và mong muốn triển khai các hạng mục hợp tác kinh tế với Việt Nam.
    
Tôi cho rằng đối với hai phía Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải thực hiện nội dung của hiệp định liên quan, có việc làm thiết thực đối với hợp tác kinh tế song phương, thúc đẩy sự phát triển của hai nước và vì lợi ích của nhân dân hai nước.
    
Tôi muốn đề cập một vài điểm nổi bật về kinh tế Quảng Đông với cái nhìn của người ngoại đạo để cung cấp cho các bạn Việt Nam tham khảo.
    
1. Sản xuất điện gia dụng của Quảng Đông tương đối phát triển, đặc trưng của sản phẩm là chất lượng tốt giá rẻ, dịch vụ hậu mãi tốt, đã chiếm lĩnh thị trường vốn luôn thuộc về Nhật Bản lúc đó. Khu vực Thuận Đức - thành phố Phật Sơn ở Trung Quốc duy nhất được vinh danh là “Thủ đô điện gia dụng Trung Quốc”. Chỉ một khu vực nhỏ bé mà có hơn 2000 doanh nghiệp sản xuất điện gia dụng và doanh nghiệp đồ linh kiện, trong đó quạt điện, nồi cơm điện và lò vi sóng đã trở thành cơ sở cung ứng lớn nhất trên toàn cầu. Cho dù nhu cầu trong nước của Việt Nam hay trong tình thế xuất khẩu của Trung Quốc nhiều lần bị chặn lại bởi chủ nghĩa bảo hộ thương mại quốc tế thì hai bên Việt Nam và tỉnh Quảng Đông vẫn nên bắt tay hợp tác mở thị trường quốc tế.
    
2. Ngành gốm sứ xây dựng là một trong những ngành hàng đầu của Quảng Đông. Thành phố Phật Sơn của Quảng Đông là khu vực sản xuất gốm sứ vệ sinh xây dựng lớn nhất Trung Quốc, thậm chí toàn thế giới. Khả năng sản xuất gạch tường ở Phật Sơn hiện nay là trên 1,6 tỷ m2, thực tế gần 3 năm nay, sản lượng là trên 1,2 tỷ m2. Số liệu này lần lượt chiếm 27% và 25% tổng sản lượng toàn thế giới, chiếm 50% và 48% của Trung Quốc, tức là sản lượng gạch xây dựng của một thành phố Phật Sơn ước chiếm ¼ tổng sản lượng cả năm của thế giới và chiếm ½ của Trung Quốc. Thành phố này đang xây dựng khu sản xuất gốm sứ vệ sinh xây dựng lớn và mạnh ở Trung Quốc thậm chí trên toàn thế giới. Hiện tại, Quảng Đông đã xây dựng trung tâm trưng bày sản phẩm vật liệu xây dựng danh tiếng hàng đầu Trung Quốc ở Uzbekistan. Kinh tế Việt Nam đang phát triển, nhu cầu về gốm sứ xây dựng rất lớn. Đồng thời, gốm sứ xây dựng đều cần có thị trường lớn ở Đông Nam Á, Trung Đông. Kiến nghị các bạn Việt Nam nên coi trọng vấn đề này. Mặt khác, ngành gốm sứ Quảng Đông phát triển đồng nghĩa với có khó khăn, đó chính là khó khăn về nguồn cung ứng đất sét dùng cho sản xuất, phần lớn là nhập từ bên ngoài tỉnh. Nếu Việt Nam có nguồn tài nguyên này, thêm vào đó là sự gần gũi về địa lý thì nên mở rộng không gian hợp tác.
    
3. Quảng Đông là tỉnh lớn về kinh tế của Trung Quốc, nhưng thiếu nguồn cung ứng năng lượng. Theo thống kê của ban ngành liên quan của chính quyền tỉnh Quảng Đông, đến năm 2007, tỉ lệ cấu thành sản xuất năng lượng của Quảng Đông là: dầu thô chiếm 45,9%, điện lực chiếm 36,3%, khí đốt tự nhiên chiếm 17,8%. Ở một phương diện nào đó, điều này cho thấy nguồn tài nguyên than đá vốn chất lượng thấp của Quảng Đông đã cạn kiệt. Ngoài ra, nguồn cung ứng than thô ở rất nhiều tỉnh của Trung Quốc cũng thiếu nghiêm trọng. Ở Hòn Gai- Việt Nam cận kề có nguồn xuất khẩu than đá chất lượng tốt lớn, liệu có thể mua một phần cho Quảng Đông?
    
5. Tuy Quảng Đông là tỉnh lớn về biển nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, mức sống người dân được nâng cao thì nguồn cung ứng tài nguyên cũng không đáp ứng đủ. Tài nguyên thủy sản của Việt Nam phong phú, cần chú ý xuất khẩu sang Quảng Đông hoặc lấy Quảng Đông làm nhịp cầu để hướng mục tiêu vào Trung Quốc.
    6. Kinh tế Quảng Đông phát triển, số lượng người dân Quảng Đông đi du lịch ở bên ngoài cũng rất lớn. Những nơi mà người Quảng Đông muốn xuất cảnh đến du lịch đầu tiên là Thái Lan, Xinhgapo, Malayxia, sau đó đến Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam có bờ biển dài, có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, nhưng vì sao du khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa nhiều, hoặc là không muốn đến? Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chủ yếu:
- Du khách Trung Quốc còn chưa hiểu biết đầy đủ về Việt Nam.
- Phí làm visa của Vịêt Nam cao, không hợp lý. Hiện nay công dân Trung Quốc đến du lịch ở Việt Nam phải làm visa với mức phí 350 NDT. Giá thành này có đắt không? Chúng ta có thể so sánh với giá thành làm visa của công dân Trung Quốc khi đến một số nước khác du lịch: Xinhgapo 100 NDT; Malayxia 150 NDT; Thái Lan 200 NDT; Campuchia 260 NDT; Nhật Bản 200 NDT; Hàn Quốc 90 NDT. Phí làm visa của Việt Nam thực sự cao không hợp lý. Để thu hút khách phương Tây, Trung Quốc trong nhiều năm đã quy định công dân của bất kỳ quốc gia nào cũng đều được miễn visa khi nhập cảnh ở lại Thâm Quyến 72 tiếng. Hy vọng ý kiến này sẽ được các bạn Việt Nam tham khảo.

PGS. Phùng Vĩnh Phù
Đại học Trung Sơn - Trung Quốc




Các tin khác

 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn