TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
NGÔN NGỮ
 
 
Thu viện ảnh
 Thời tiết Minimize | Maximize
 Hà nội  ° 
 Hải phòng  ° 
 Đà nẵng  ° 
 Hồ chí minh  ° 
Truy cập : 9383910
 
TIN TỨC - SỰ KIỆN
Tình hình kinh tế trung quốc tháng 11 và 11 tháng năm 2009 (08/01/2010)

I. Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 11 năm 2009

    Ngày 11-12-2009, Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố số liệu kinh tế chủ yếu của Trung Quốc trong tháng 11. Những số liệu nay chứng tỏ, tháng 11 kinh tế Trung Quốc có đà tăng trở lại mạnh mẽ, đồng thời cũng xuất hiện một số biến đổi lớn.
    
Trước hết, đó là sự đổi chiều của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Sau khi trải qua 9 tháng liên tăng trưởng âm, tháng 11 CPI đã chuyển sang tăng trưởng dương, mặc dù rất nhỏ chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia... mong mỏi. Bên cạnh đó, PPI trong tháng 11 vẫn suy giảm nhưng mức độ có thu hẹp. PPI tháng 11 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 11-2008, PPI tăng 2,0%), tuy vậy mức độ suy giảm thu hẹp 3,7 điểm % so với tháng trước. 
    
Hai là, tháng 11 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 208,21 tỷ USD, đây là mức tăng trưởng dương (trong tháng so với cùng kỳ năm trước) đầu tiên kể từ đầu năm đến nay. Trong đó góp phần khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng chính là do kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11 tăng 26,7%, đạt 94,56 tỷ USD; còn kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 1,2%, đạt 113,65 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so với tháng 10 (110,76 tỷ USD) thì xuất khẩu đã tăng 2,6%, mức độ suy giảm thu hẹp đến 12,6 điểm % so với con số -13,8% của tháng 10. Đây cũng là tháng thứ năm liên tiếp có kim ngạch xuất khẩu vượt 100 tỷ USD. Tháng 11 xuất siêu của Trung Quốc là 19,09 tỷ USD, giảm 4,91 tỷ USD so với tháng trước.
    
Một điểm nóng khiến nhiều người quan tâm trong tháng 11 chính là tốc độ tăng mạnh của giá nhà ở. Tháng 11, giá nhà ở tại 70 thành phố lớn và vừa của Trung Quốc đã tăng tới 5,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,2% so với tháng trước, mức độ tăng mở rộng 1,8 điểm % so với tháng 10. Điều này phần nào đã có đóng góp khiến CPI đổi chiều, nhưng thực tế này cũng làm tăng mối lo ngại về tình trạng tăng trưởng quá nóng của thị trường bất động sản Trung Quốc. 
    
Ngoài hai điểm nhấn lớn là sự đảo chiều của CPI và chuyển biến tốt về tình hình xuất nhập khẩu, ngoài điểm nóng về tăng giá nhà ở, thì trong tháng 11 hàng loạt các số liệu kinh tế chủ yếu khác cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc xuất hiện xu thế tăng trở lại mạnh mẽ. 
    
Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng trưởng nhanh, mức gia tăng giá trị của doanh nghiệp công nghiệp có quy mô tăng trưởng 19,2%, tăng đến 13,8 điểm % so với cùng kỳ năm trước (tháng 11 - 2008), tăng nhanh hơn 3,1 điểm % so với tháng trước (10-2009). Đây là tháng thứ bảy liên tiếp có mức độ tăng trưởng liên tục tăng.
    
Theo loại hình kinh tế, trong tháng 11, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có cổ phần khống chế tăng trưởng 19%; các doanh nghiệp tập thể tăng trưởng 17,4%, các doanh nghiệp cổ phần tăng trưởng 22,7%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao tăng trưởng 14,1%. Nếu phân theo loại hình công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thì trong tháng 10, công nghiệp nặng tăng trưởng 22,2%, công nghiệp nhẹ tăng trưởng 12,6%. Nếu phân theo sản phẩm, trong số 494 chủng loại sản phẩm thì có 421 chủng loại sản phẩm tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng mạnh nhất phải kể đến là ô tô với 1,44 triệu chiếc trong tháng 11, tăng trưởng 100,8% so với cùng kỳ năm trước.
    
Lượng phát điệnlượng dùng điện trong cả nước tháng 11 tăng lên mạnh mẽ. Tháng 11 lượng phát điện tăng trưởng đến 26,9%; lượng dùng điện tăng trưởng 27,63%. Điều này tương ứng với công nghiệp tăng trưởng, trong đó phải kể đến công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
    
Đầu tư TSCĐ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, tính từ tháng 1-11, đầu tư TSCĐ đạt tới 16.863,4 tỷ NDT, tăng trưởng 32,1%, tăng 5,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại giảm 1,0 điểm % so với giai đoạn từ tháng 1-10.
    
Trong đó, nếu phân theo nhóm ngành (khu vực) thì tính từ tháng 1-11, đầu tư cho khu vực I (nông nghiệp) tăng trưởng 51,5%; đầu tư cho khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng trưởng 26,1%, đầu tư cho khu vực III (dịch vụ) tăng trưởng 36,6%.  Như vậy, có thể thấy đầu tư TSCĐ vẫn tiếp tục xu thế tăng trưởng ở mức độ cao, mặc dù các số liệu về sản xuất công nghiệp và khai phát bất động sản liên tục tăng trưởng nhanh, nhưng thực tế khu vực này lại có tốc độ tăng trưởng đầu tư thấp nhất; khu vực nông nghiệp, nông thôn có mức độ đầu tư tăng trưởng lớn nhất. Điều này cho thấy nhà nước vẫn chú trọng đầu tư dân sinh.
    
Về tiêu dùng, tiếp tục tăng trưởng tương đối nhanh và bình ổn. Tháng 11, kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội đạt 1.133,9 tỷ NDT, tăng trưởng 15,8%, giảm 5,0 điểm % so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,4 điểm % so với tháng trước (10-2009). Trong đó, kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng của thành phố đạt 760,6 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%; kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng của khu vực quy mô ngang cấp quận và dưới cấp quận đạt 373,3 tỷ NDT, tăng trưởng 14,4%.
    
Nếu phân theo loại hình sản phẩm, thì hàng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất là xe hơi (trong tháng 11 tiêu thụ được 1,096 triệu xe, tăng trưởng 61,5%), tiếp đến là vật liệu xây dựng và trang trí nội thất tăng trưởng 43,3%, quần áo (25,8%), đồ điện gia dụng và các loại âm thanh thiết bị nghe nhìn (24,9%),… 
    
Về thu nhập tài chính toàn quốc, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc, tháng 11 thu nhập tài chính toàn quốc đạt  502,93 tỷ NDT, tiếp tục xu thế tăng trưởng cao trong thời gian gần đây, đạt tới 32,6%, tăng 123,69 tỷ NDT so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp có mức thu nhập tài chính toàn quốc tăng trưởng. 
    
Bộ Tài chính cho biết, thu nhập tài chính toàn quốc trong tháng 11 tăng tương đối nhanh do ảnh hưởng của nhiều nhân tố: Trước hết,  do kinh tế bình ổn hồi phục dẫn đến thu các loại thuế liên quan tăng; Ngoài ra chủ yếu còn do ảnh hưởng của khủng hoảng nên tháng 11 -2008 thu nhập tài chính suy giảm, số liệu thấp nên nếu so sánh với cùng kỳ năm trước (11-2008) thì đương nhiên tháng 11 năm nay sẽ tăng; Tiếp đến là do sau khi cải cách thuế về dầu thành phẩm thuế tiêu dùng tăng nhanh…
    
Về tín dụng: Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong tháng 11, khối lượng tiền NDT cho vay mới tăng 294,8 tỷ NDT, mặc dù có cao hơn mức 253 tỷ NDT trong tháng 10 một chút, nhưng nếu so sánh với các tháng khác thì giảm mạnh. Hai tháng 10 và 11 có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.  Hội nghị công tác kinh tế Trung ương của Trung Quốc mới đây đã chỉ ra phải nắm bắt tốt tốc độ tăng trưởng tín dụng. Bởi thực tế là, sau khi cho vay với khối lượng lớn, phần lớn các ngân hàng đang gặp phải hạn chế về tỷ lệ lưu động của vốn, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm tốc độ cho vay để dự trữ tiền cho năm sau. Đồng thời, mức độ rủi ro của việc quản lý đối với các khoản vay tăng lên; dưới ảnh hưởng của nhiều nhân tố như vậy, nên khối lượng tiền cho vay tăng mới đã suy giảm liên tục trong tháng 10, 11-2009.
    
Về cung ứng tiền tệ: Lượng cung ứng tiền tệ trong tháng 11 vẫn tiếp tục tăng trưởng, đầu tháng 11 lượng cung tiền tệ M2 tăng trưởng 29,74%, tăng cao hơn 0,23 điểm % so với đầu tháng trước (10-2009). Lượng cung tiền tệ M1 tăng trưởng 34,63%, tăng cao hơn đầu tháng trước là 2,60 điểm %. Mức độ tăng trưởng của M2 và M1 so với cùng kỳ năm trước tiếp tục tăng lên một phần là do số liệu của cùng kỳ năm trước thấp, nhưng điều này cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của tiền tệ là quá nhanh, tăng dự báo rủi ro lạm phát, đồng thời cũng hình thành áp lực nhất định đến giá cả trong thời gian tới.
    
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng 55,2% trong tháng 11, bằng tháng trước (10-2009), là mức cao nhất kể từ tháng 5-2008 đến nay. Đây là tháng thứ chín liên tiếp chỉ số PMI của Trung Quốc vượt ngưỡng 50% và liên tục tăng. Điều này cho thấy về tổng thể kinh tế Trung Quốc duy trì xu thế bình ổn đi lên. Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 11 tăng trưởng 58,4%, giảm chút ít (0,1 điểm %) so với tháng trước.
    
Tóm lại, tháng 11 đánh dấu bởi hai chuyển biến lớn là CPI đổi chiều và  xuất nhập khẩu, điểm nóng về tăng giá nhà ở, ngoài ra kinh tế của Trung Quốc trong tháng 11 có đà tăng trở lại mạnh mẽ với sản lượng công nghiệp tăng nhanh nhất kể từ tháng 3-2008, doanh số bán lẻ tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng đầu tư vẫn duy trì ở mức cao,… Bên cạnh đó, tháng 11 cùng với tháng 10 được ghi nhận là có mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ tháng 10-2008.

II. Tình hình kinh tế 11 tháng năm 2009

    Từ mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (6,1%) trong quý I, 7,9% ở quý II, bước sang quý III kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 8,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã vạch ra một đường đi lên rõ nét. Tính chung cả 3 quý, GDP tăng trưởng 7,7%. Tháng 10, 11 - 2009 sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc ngày càng tăng tốc với hàng loạt các dấu hiệu khả quan, đặc biệt là trong tháng 11 CPI đã đổi chiều sau 9 tháng liền tăng trưởng âm, và kim ngạch xuất nhập khẩu cũng lần đầu tiên trong năm tăng trưởng dương. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay được coi như “nằm trong lòng bàn tay”.
    
Tình hình sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm 2009 có nhiều thăng trầm, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2009 đã giảm xuống mức thấp nhất là 3,8%, bước sang tháng 5 sản xuất công nghiệp khởi sắc trở lại, tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong tháng 5 là 8,9% - mức cao nhất kể từ tháng 10-2008. Bảy tháng liền từ tháng 5 đến tháng 11-2009, sản xuất công nghiệp đã liên tục tăng trưởng. Lợi nhuận của doanh nghiệp – thước đo sức sống của doanh nghiệp sau nhiều tháng suy giảm đã xuất hiện tăng trưởng trở lại vào tháng 7 -2009. Tháng 11, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 19,2%. Nếu tính từ tháng 1-11, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 10,3%,  so với cùng kỳ năm trước giảm 3,4 điểm %, nhưng nếu so với giai đoạn từ tháng 1-10 thì lại tăng nhanh hơn 0,9 điểm %.
    
Về đầu tư TSCĐ, thực hiện kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỷ NDT nên đầu tư TSCĐ trong 11 tháng đầu năm 2009 duy trì ở mức cao. Tính từ tháng 1-11, đầu tư TSCĐ khu vực thành thị đạt 16.863,4 tỷ NDT, tăng trưởng 32,1%, tăng nhanh hơn 5,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 1,0 điểm % so với giai đoạn từ tháng 1 – 10.
    
Tính từ tháng 1-11, đầu tư các hạng mục của Trung ương đạt 1.527,7 tỷ NDT, tăng trưởng 16,4%; đầu tư của địa phương đạt 15.335,7 tỷ NDT, về mặt giá trị cao gấp hơn 10 lần của Trung ương, mức độ tăng trưởng cũng lớn hơn đạt 33,9%.
    Về tiêu dùng, 11 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội đạt 1.127,33 tỷ NDT, tăng trưởng 15,3%, giảm 6,6 điểm % so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội trong 11 tháng đầu năm bằng giai đoạn từ tháng 1-10.
    
Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Hải quan công bố ngày 11-12-2009, 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc đạt 1.964,003 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.070,98 tỷ USD, giảm 18,8%; nhập khẩu đạt 893,022 tỷ USD, giảm 15,8%. Xuất siêu thương mại đạt 177,96 tỷ USD, giảm 30,6%. Sau khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu suy giảm liên tục kể từ cuối năm ngoái do ảnh hưởng của khủng hoảng thì đến tháng 11 năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc lần đầu tiên trong năm 2009 đã có mức tăng trưởng dương là 9,8%. Trong đó, xuất khẩu giảm 1,2%; còn nhập khẩu tăng trưởng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
    
Trong thương mại song phương với các đối tác thương mại chính, 11 tháng đầu năm 2009, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 326,27 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đó với Mỹ, tổng kim ngạch thương mại đạt 266,54 tỷ USD, giảm 13,4%; thứ ba là với th? ba  là với Nhật Bản, tổng kim ngạch song phương đạt 203,33 t? USD, gi?m 17,4%. 
    
Về thu nhập tài chính toàn quốc, trong 11 tháng đầu năm từng bước xuất hiện xu thế hồi phục. Từ tháng 1-4, do kinh tế suy giảm nên lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm sút, nguồn thu từ thuế của nhà nước theo đó cũng giảm, thu nhập tài chính giảm 9,9%. Bắt đầu từ tháng 5, cùng với dấu hiệu khởi sắc trong sản xuất công nghiệp, thu nhập tài chính cả nước đã từng bước hồi phục, tháng 5 thu nhập tài chính đã tăng 4,8%; bước sang tháng 6 tăng mạnh 19,6%. Đây là lần đầu tiên thu nhập tài chính toàn quốc tăng trưởng mạnh đạt mức hai con số. Đặc biệt là sau tháng 8, tốc độ tăng trưởng thu nhập tài chính ngày càng lớn. Điều này một mặt là do sản xuất công nghiệp ngày càng tăng trưởng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại; thị trường tiêu dùng nội địa cũng hồi phục trở lại, mà điểm nóng chính là thị trường bất động sản và ô tô đã khiến thuế tiêu thụ trong nước, thuế kinh doanh… tăng, góp phần khiến thu nhập tài chính cả nước tăng. Song mặt khác là do thời điểm này năm trước, thu nhập tài chính đã giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng, vì thế nếu so sánh với cùng kỳ năm trước thì đương nhiên số liệu năm nay sẽ tăng.
    
Tính từ tháng 1-11, thu nhập tài chính cả nước đạt 6.339,31 tỷ NDT, tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
    
Về khoản cho vay tăng mới, theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ba tháng đầu năm có khối lượng cho vay tăng mới cao nhất trong năm. Đây được coi là giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng, là đáy của mô hình phục hồi kinh tế theo hình chữ “V”. Và việc cho vay với khối lượng lớn như vậy là thực hiện kế hoạch kích cầu của Chính phủ Trung Quốc nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng. Hai tháng 10 và 11 có khối lượng cho vay mới thấp nhất trong năm. Sau khi cho vay ồ ạt ở ba tháng quý I, các ngân hàng hầu như đã hoàn thành kế hoạch cho vay tín dụng cả năm 2009 từ quý III, thậm chí là từ quý II, vì thế bước sang quý IV lượng cho vay tăng mới giảm mạnh (xem bảng). Ngoài ra còn vì các ngân hàng hạn chế cho vay mới để chuẩn bị tiền cho năm sau.
    
Tóm lại, kinh tế Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2009 cho thấy những dấu hiệu phục hồi ngày càng mạnh mẽ, triển vọng những tháng cuối năm 2009 và quý I đầu năm 2010 còn khả quan hơn. Song bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, nhiệm vụ điều chỉnh kết cấu đầu tư và tiêu dùng trở nên cấp bách. Tuy vậy mục tiêu GDP tăng trưởng 8% trong năm nay có thể thực hiện được.

III.  Triển vọng kinh tế Trung Quốc quí IV năm 2009 và năm 2010

    Trên cơ sở tình hình kinh tế quý III và hai tháng 10,11 có nhiều chuyển biến tốt, dự kiến quý IV năm nay, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà phát triển của quý III, và thậm chí sẽ có nhiều khởi sắc hơn. Báo cáo của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã đưa ra ước tính rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý IV -2009 sẽ vượt quá 10% nhờ các đơn đặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đang gia tăng nhân dịp cuối năm và đầu năm mới. Năm 2010, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 4000 USD.
    
Cùng với việc CPI đổi chiều trong tháng 11 cũng như xu hướng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian từ nay đến tết nguyên đán khiến người ta lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại. Có đến 85,6% người được hỏi lo lắng vật giá tăng trong năm 2010. Vì vậy trước mắt, Trung Quốc cần duy trì mức độ tăng trưởng hợp lý và nhiệm vụ quan trọng nhất chính là phòng ngừa lạm phát và điều chỉnh lại kết cấu kinh tế.
    
Tuy vậy, kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với 4 rủi ro lớn: (1). Rủi ro về tín dụng. Các khoản vay mới của Trung Quốc năm 2009 đã vượt qua 9000 tỷ NDT.(2). Rủi ro về xuất nhập khẩu, đặc biệt là những ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; (3). Lỗi lo lạm phát, vật giá leo thang; (4). Sản xuất dư thừa và thách thức tái cơ cấu.
    Song thực tế là tỷ lệ tiêu dùng của cư dân Trung Quốc không chỉ thấp hơn các quốc gia phát triển mà còn thấp hơn cả các quốc gia đang phát triển, bởi thu nhập của đại đa số người dân còn thấp. Muốn mở rộng tiêu dùng thì cần phải nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là cách trực tiếp nhất, quan trọng nhất để nâng cao năng lực tiêu dùng, qua đó lôi kéo cầu tiêu dùng, giảm thiểu áp lực của tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu bên ngoài trong phát triển  kinh tế.
    
Nhưng vấn đề đặt ra là nâng cao thu nhập của người dân bằng cách nào?
    
Giáo sư Zheng ChaoYu- Viện Kinh tế học Đại học Nhân dân cho rằng: Cho dù cần nâng cao mức độ tiêu dùng hay là tăng thu nhập cho người dân, điều quan trọng vẫn là giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tương đối nhanh. Bởi vì chỉ có kinh tế không ngừng phát triển, mới có thể tạo ra tài sản, tạo ra việc làm, đảm bảo tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên cùng với việc duy trì tăng trưởng kinh tế cũng cần chú ý đến điều chỉnh kết cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế dân doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện thể chế phân phối thu nhập quốc dân; tăng cường thu nhập mang tính tài sản của người dân.
    
Thực tế, việc mở rộng nhu cầu trong nước cũng đã được đưa ra trước đây nhiều năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, hội nghị công tác kinh tế Trung ương lần này đã đưa ra bức tranh cải cách cụ thể hơn, bao gồm tăng tốc độ đô thị hóa và cải cách chế độ hộ tịch, xóa bỏ thể chế độc quyền lũng đoạn, tăng đầu tư tài chính nhà nước vào lĩnh vực dân sinh, tăng cường việc điều chỉnh phân phối thu nhập quốc dân, v.v…    
    * Hướng điều chỉnh chính sách chủ yếu trong năm 2010:
    
Từ nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2009 là “duy trì tăng trưởng” sang năm 2010, “điều chỉnh cơ cấu”  sẽ là trọng điểm phát triển. Điều chỉnh chính sách sẽ đi từ ứng phó với khủng hoảng, kích thích kinh tế sang tiếp tục phát triển. Hiện Trung Quốc đang kết hợp giữa việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế dài hạn với kế hoạch kích thích kinh tế trong ngắn hạn.
    
Ngày 7-12-2009, Hội nghị công tác kinh tế Trung ương đã đưa ra hướng điều chỉnh cơ bản đối với chính sách phát triển kinh tế năm 2010 là “điều chỉnh kết cấu, mở rộng nội nhu”, trong đó trọng tâm chính là nâng cao mức tiêu dùng, đặc biệt là mở rộng cầu tiêu dùng trong cư dân. Nếu xem xét ba động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu ròng thì thấy, những ảnh hưởng của khủng hoảng đối với kinh tế thế giới chưa phải đã hết và vẫn còn tiếp diễn, nhu cầu bên ngoài vẫn suy giảm nên tình hình xuất khẩu trong năm tới không dễ lạc quan. Ngoài ra, trong năm nay đầu tư tăng trưởng tương đối nhanh, quá nhiều đầu tư không những cần tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên, mà còn có thể mở rộng năng lực sản xuất, làm tăng thêm cục diện dư thừa năng lực sản xuất vốn đã trầm trọng ở Trung Quốc. Hội nghị cũng chỉ ra năm 2010 cần nghiêm khắc khống chế những hạng mục mới, tốc độ tăng trưởng đầu tư sẽ suy giảm dần. Vì thế, bất luận là xem xét từ chất lượng tăng trưởng kinh tế hay từ tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong năm 2010 đều sẽ dựa vào tiêu dùng. 
    
Hội nghị đã đưa ra 6 nhiệm vụ chủ yếu về công tác kinh tế năm 2010:
    
(1). Nâng cao trình độ điều tiết vĩ mô, bảo đảm kinh tế phát triển bình ổn,  nhanh.
    
(2). Tăng cường mức độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và chất lượng phát triển kinh tế.
    
(3). Củng cố cơ sở phát triển “tam nông”, mở rộng không gian tăng trưởng nhu cầu trong nước (nội nhu).
    
(4). Đi sâu cải cách thể chế kinh tế, tăng cường tính năng động và sống động trong phát triển kinh tế.
    
(5). Thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng ổn định, thúc đẩy cân bằng cán cân thanh toán (thu chi) quốc tế. Kiên trì kết hợp “thu hút nguồn vào” và “đi ra ngoài”.
    
(6). Nỗ lực bảo đảm và cải thiện dân sinh, ra sức bảo đảm ổn định xã hội.

    Hội nghị công tác kinh tế Trung ương lần này cũng đã xác định: Tiếp tục thực thi chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng thích hợp; đồng thời phải nắm bắt được mức độ, nhịp nhàng, trọng điểm của việc thực thi chính sách. Chú trọng dân sinh đã trở thành “trọng điểm” của cả hai chính sách tài chính và tiền tệ.

 

Thu Hiền-Đức Cẩn st.

 




Các tin khác

Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 10 và 10 tháng năm 2009 (07/01/2010)
Tình hình kinh tế Trung Quốc tháng 9 và 9 tháng năm 2009 (06/01/2010)
Thông tin bảo vệ luận văn Cao học (23/12/2009)
Thong bao tuyen dung (29/09/2009)
Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường đến thăm và nói chuyện tại Viện nghiên cứu Trung Quốc (28/09/2009)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc thăm và khảo sát xã Tân Thanh(Lạng Sơn) (16/03/2009)
Thông tin bảo vệ luận án tiến sĩ cấp nhà nước (05/02/2009)
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2008 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc (08/01/2009)
Viện Nghiên cứu Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thành lập (1993 -2008) (31/12/2008)
15 người ngoại quốc có ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc (19/12/2008)
 
TIN MỚI NHẤT
ẤN PHẨM - XUẤT BẢN
 
 
TRANG CHỦ
TỪ ĐIỂN
TRA CỨU THƯ VIỆN
SƠ ĐỒ TRANG WEB
LIÊN HỆ
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN NGHIÊN CỨU TRUNG QUỐC - INSTITUTE OF CHINESE STUDIES
Địa chỉ: Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 024.32171020; Email: vnics@vnics.org.vn