Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo quốc tế “45 năm cải cách mở
cửa Trung Quốc, thành tựu, vấn đề và triển vọng” do Viện Nghiên cứu
Trung Quốc, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm)
tổ chức vào chiều ngày 26/10/2023 tại Hà Nội, Hội thảo diễn ra đã thu
hút sự quan tâm tham dự và theo dõi của nhiều nhà khoa học đến từ trong
và ngoài Viện Hàn lâm cũng như các học giả quốc tế đến từ Học viện Chủ
nghĩa Mác, Đại học Quảng Tây; Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
|
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện
Hàn lâm đã nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của đông đảo các nhà khoa học
và cho rằng Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết
giữa hai bên, là diễn đàn học thuật quan trọng để học giả Việt Nam có
thêm cơ hội trao đổi sâu hơn về công cuộc cải cách mở cửa của Trung
Quốc, tìm hiểu những bài học kinh nghiệm, cũng như tìm kiếm các giải
pháp cải cách phù hợp với Việt Nam dựa trên các quan điểm khoa học, góp
phần bổ sung vào hệ thống lý luận, hàm ý chính sách giúp Việt Nam thành
công trong con đường phát triển và hội nhập quốc tế.
Tại báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện Trưởng Viện
Nghiên cứu Trung Quốc đã tổng quan 4 giai đoạn cải cách mở cửa của Trung
Quốc; Điểm lại những thành tựu nổi bật của Trung Quốc ở 3 trụ cột: kinh
tế, xã hội, khoa học công nghệ và cho rằng sau 45 năm cải cách mở cửa
Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt. Trung Quốc
đang nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu cơ bản hoàn thành hiện đại hóa
vào năm 2035 và trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN vào giữa thế kỷ
XXI…
|
TS. Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội thảo |
Với bối cảnh như vậy, TS. Nguyễn Xuân Cường bày tỏ tin tưởng và hy vọng
Hội thảo sẽ giúp các học giả Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội được trao
đổi trực tiếp nhiều hơn vào từng vấn đề cụ thể để hai bên được hiểu
biết hơn về mục tiêu cải cách mở cửa của Trung Quốc, bài học kinh nghiệm
cho Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển chung của hai quốc gia,
tiền đề để hai bên phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng thân thiết hơn
trong thời gian tới.
Tại diễn văn khai mạc GS.TS. Từ Tần Pháp, Viện trưởng Học viện Chủ
nghĩa Mác, đại học Quảng Tây, Trung Quốc đã đánh giá cao vai trò của hội
thảo, vui mừng vì sự có mặt của đông đảo học giả và cho rằng sự quan
tâm của Việt Nam đối với những vấn đề cải cách mở cửa của Trung Quốc,
cũng như những bài học kinh nghiệm mà Trung Quốc rút ra được trong công
cuộc cải cách mở cửa hiện đại hóa đất nước sẽ giúp ích cho Việt Nam rất
nhiều trong việc rút ngắn con đường CNH, HĐH tại Việt Nam. Hội thảo cũng
là cơ hội để các học giả Trung Quốc có điều kiện hiểu hơn về công cuộc
phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Qua đó, gợi
mở những cơ hội hợp tác, trao đổi nghiên cứu để phát triển hơn nữa mối
quan hệ vốn có giữa hai bên.
|
GS.TS. Từ Tần Pháp, Viện trưởng Học viện Chủ nghĩa Mác, đại học Quảng Tây, Trung Quốc phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo được tổ chức thành 02 phiên: Phiên 01: 45 năm cải cách mở cửa
của Trung Quốc do TS. Nguyễn Xuân Cường và GS. Từ Tần Pháp chủ trù; Phiên 02: Cải cách mở cửa của Trung Quốc và Đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam
do TS. Nguyễn Thị Phương Hoa và GS. Ninh Đức Bằng chủ trì. Với 08 tham
luân được trình bày, các nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ việc Trung
Quốc chấm dứt thời kỳ “giấu mình chờ thời” để vươn ra thế giới như thế nào, thấy rõ được Chính quyền Trung Quốc đã làm tốt chủ trương của Tổng Bí thư Tập Cận Bình “duy
trì quan điểm đổi mới sáng tạo là động lực số 1, nhân tài là nguồn tài
nguyên số 1, thực hiện chiến lược đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển,
hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đẩy nhanh tự chủ đổi mới
sáng tạo về công nghệ cốt lõi, then chốt, tạo động lực mạnh mẽ cho phát
triển - kinh tế - xã hội”.
Có thể thấy tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX Đảng cộng sản Trung Quốc
đã thông qua Kiến nghị về việc ban hành Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và
các mục tiêu dài hạn đến năm 2035, trong đó đã xác định kiên định vai
trò cốt lõi của đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chung của sự nghiệp hiện
đại hóa đất nước, lấy tự lực tự cường về khoa học và công nghệ làm chỗ
dựa chiến lược để phát triển đất nước của Trung Quốc, thực hiện chuyển
đổi từ dựa vào lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên vốn có sang lợi
thế về quyền sở hữu trí tuệ độc lập, hướng tới trận địa kinh tế trọng
điểm, hướng tới nhu cầu lớn của đất nước, hướng tới tính mạng và sức
khỏe của nhân dân, thực hiện chiến lược hưng quốc thông qua khoa học kỹ
thuật, chiến lược trọng dụng nhân tài và chiến lược đổi mới đất nước.
|
GS. Hàn Đông Tuyết, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Tại tham luận “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã làm phong phú và phát triển bản chất luận của chủ nghĩa xã hội trong cơ cấu kinh tế”,
GS. Hàn Đông Tuyết, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc chia sẻ: Đảng cộng
sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc đánh thắng trận chiến xóa
đói giảm nghèo có quy mô lớn trong lịch sử nhân loại, giải quyết tuyệt
đối vấn đề đói nghèo, hoàn thiện cơ chế phân phối theo yếu tố, tìm kiếm
các kênh tăng cường thu nhập cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp, gia
tăng thu nhập (tài sản) cho cư dân thành thị và nông thôn, tạo điều kiện
cho mục tiêu giàu có, không ngừng phong phú các điều kiện vật chất phục
vụ cuộc sống tươi đẹp của nhân dân, xây dựng cục diện phát triển mới
hài hòa văn minh vật chất và tinh thần. Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã
vượt qua logic hiện đại hóa của chủ nghĩa tư bản, mở ra con đường mới
phát triển hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội.
Các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ: việc liên tục mở rộng mở cửa ra
thế giới bên ngoài, hình thành cơ bản thể chế kinh tế mở mới đã làm ưu
hóa hơn không gian, phạm vi và lĩnh vực mở cửa đối ngoại của Trung Quốc,
mang đến những cơ hội mới cho sự phát triển của Trung Quốc. Do đó thể
chế kinh tế mới đã đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các
tác động của các yếu tố bất ngờ, kích thích sức sống của thị trường và
duy trì sự ổn định kinh tế và xã hội Trung Quốc nói chung, cung cấp cho
thị trường thế giới nhiều sản phẩm “made in China” hơn, góp phần thúc
đẩy sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế theo hướng cởi mở hơn, bao
trùm hơn, cân bằng hơn và hướng tới các bên cùng có lợi.
|
TS. Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Đảng cộng sản Trung Quốc xác định: Đoàn kết dẫn dắt các dân tộc toàn
Trung Quốc xây dựng thành công, toàn diện cường quốc XHCN hiện đại hóa,
thực hiện mục tiêu 100 năm thứ 2, lấy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc thúc
đẩy toàn diện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Hiện đại hóa kiểu
Trung Quốc là điểm nhấn, điểm mới của Đại hội XX. Về măt chính trị,
hướng chiến lược là “dân chủ nhân dân toàn quá trình” được coi là đặc
trưng của nền XHCN. Về mặt kinh tế, hướng tới phát triển chất lượng cao
là nhiệm vụ hàng đầu của sự nghiệp xây dựng đất nước, hiện đại hóa XHCN
toàn diện là ưu tiên hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc
lãnh đạo phục hưng đất nước. Trọng tâm về kinh tế là kinh tế thực, thúc
đẩy CNH kiểu mới, đẩy nhanh xây dựng cường quốc chế tạo, cường quốc chất
lượng, cường quốc hàng không vũ trụ, cường quốc giao thông, mạng
Internet và Trung Quốc số. Về mặt công nghệ, Đảng cộng sản Trung Quốc
thực hiện chiến lược khoa học giáo dục chấn hưng đất nước, khẳng định
kiên trì khoa học kỹ thuật là lực lượng sản xuất thứ nhất, nhân tài là
nguồn lực thứ nhất, sáng tạo là động lực thứ nhất, tự chủ trong lĩnh vực
công nghệ, tự tin, tự cường về văn hóa, xây dựng cường quốc bằng nhân
tài. Về an ninh, Trung Quốc lấy an ninh nhân dân, an ninh chính trị, an
ninh kinh tế, an ninh quân sự, công nghệ, văn hóa, xã hội và an ninh
quốc tế là nòng cốt, có quy hoạch đồng bộ giữa an ninh bên ngoài và bên
trong, an ninh quốc gia và an ninh quốc dân, an ninh truyền thống và phi
truyền thống. Về quốc phòng, Trung Quốc hướng tới thúc đẩy hiện đại hóa
quốc phòng và quân đội, xây dựng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
hàng đầu thế giới. Về đối ngoại, thúc đẩy thế giới hòa bình và phát
triển, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, xây dựng quan hệ quốc tế kiểu
mới, thúc đẩy sáng kiến phát triển toàn cầu, sáng kiến an ninh toàn cầu…
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, một trong những bài học kinh
nghiệm lớn của Trung Quốc sau gần 50 năm cải cách đó chính là sự kết hợp
giữa lãnh đạo của Đảng cộng sản, nhân dân làm chủ và quản trị đất nước
theo pháp luật, giải quyết mối quan hệ giữa cải cách kinh tế và chính
trị - xã hội, phát huy sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, tính tích cực
của các tầng lớn xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả
hiệu lực của pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, minh bạch, nâng cao
năng lực quản trị quốc gia…
Những kinh nghiệm của Trung Quốc là những bài học quý giá đối với Việt
Nam. Mặc dù cho đến hiện tại cả Trung Quốc và Việt Nam vẫn phải đối mặt
với nhiều thách thức do những tác động không ngừng của bối cảnh mới. Vì
vậy việc tìm kiếm động lực, phương thức mới phục vụ nhu cầu phát triển
kinh tế, chấn hưng quốc gia, giải quyết tốt hơn các mối quan hệ giữa ổn
định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa phát
triển bền vững để ứng phó với những thách thức mới luôn biến đổi đã
nhận được sự trao đổi sâu rộng tất cả các học giả của cả hai bên.
|
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Cường đã cảm ơn sự đóng góp của các
tham luận và các ý kiến đóng góp của các đại biểu, học giả tham dự Hội
thảo và cho rằng các đóng góp có ý nghĩa và giá trị to lớn đối với những
vấn đề lý luận của Việt Nam, góp phần bổ sung vào hệ thống lý luận khoa
học cũng như tổng kết công tác thực tiễn, nhất là đối với Việt Nam nhằm
nâng cao năng lực cầm quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng,
những ý kiến thu nhận được từ Hội thảo sẽ giúp Việt Nam có thêm hệ thống
lý luận để ứng phó kịp thời và linh hoạt với những biến đổi của tình
hình quốc tế và khu vực, phục vụ tốt mục tiêu phát triển quốc gia trong
giai đoạn tới. Nhân dịp này, tiến sĩ cũng bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có
thêm nhiều cơ hội hợp tác và trao đổi học thuật nhiều hơn nữa, nhằm
giúp các nhà khoa học Việt Nam có thêm các định hướng nghiên cứu cũng
như gia tăng mối quan hệ thân thiết vốn có giữa hai bên.
PV